Các nhà chức trách bang Odisha cho biết, tính đến nay đã có thêm 24 người tử vong ở bang này, nâng tổng số người chết vì nắng nóng ở Ấn Độ lên 135 người.
Vào ngày thứ Ba, nhiệt độ lên tới hơn 40°C ở 19 địa điểm thuộc bang Odisha. Nhiệt độ cao nhất lên đến 49,5°C ở thị trấn Titilargth. Còn tại thủ phủ Bhubaneswar với 800.000 dân, nhiệt độ có lúc lên đến 48,5°C.
Đợt nắng nóng này có ảnh hưởng đến rất nhiều vùng ở miền bắc Ấn Độ. Những cơn mưa tháng Tư truyền thống đến giờ vẫn chưa xuất hiện do nhiệt độ tăng cao ở mức bất thường. Theo Cơ quan khí tượng Ấn Độ, đợt nắng nóng này được cho là do ảnh hưởng của El Nino. Tuy nhiên, cơ quan cũng dự báo hiện tượng này sẽ suy yếu vào cuối tháng Tư và mùa mưa sẽ đến như mong đợi.
Trong tuần đầu tháng Tư, nhiệt độ tăng cao ở hầu hết khắp Ấn Độ. Ở hai bang ở miền Nam là Telengana và Andrha Pradesh, đã có ít nhất 111 người chết vì nắng nóng, với nhiệt độ ở mức trên 40°C suốt cả ngày.
PHẢI LÀM GÌ KHI SỐC NHIỆT DO NẮNG NÓNG?
Vụ việc 135 người chết vì nắng nóng ở Ấn Độ mới xảy ra gần đây là một lời cảnh báo mọi người về việc chăm sóc sức khoẻ bản thân trong thời tiết nắng nóng. Say nắng là một hiện tượng sức khỏe khá phổ biến khi thời tiết quá nóng bức, gây ra do cơ thể tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao kèm theo việc mất nước.
Theo bác sỹ Lương Quốc Chính − khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai, say nắng gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Người bị say nắng, nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Một số triệu chứng đặc trưng của say nắng bao gồm: Nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,5°C, ngất xỉu, đau nhói đầu, chóng mặt, choáng váng, không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng, da đỏ, nóng, khô yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn, thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt, co giật, hôn mê…
Hãy tự bảo vệ mình khi không chỉ ở Ấn Độ, mà Việt Nam chúng ta cũng đang vào giai đoạn cao điểm nắng nóng.
Bài: K. Huyền
Tiếp Thị Gia Đình