Xóm trọ giữa trưa im ắng, vắng lặng, chỉ nghe tiếng mái tôn nóng quá nổ lốp bốp. Trời nắng gắt, oi nồng, ngột ngạt. Không khí như hun đúc trên những tấm tôn cũ kỹ quây lại thành những phòng trọ tồi tàn, rẻ mạt, chỉ có những người lao động nghèo mới có thể chịu đựng để lấy chỗ sinh hoạt. Thành phố này khan hiếm những cơn gió. Hoặc cũng có thể là những cơn gió đã bị những ngôi nhà cao tầng chắn hết, không đủ sức ùa xuống, làm dịu mát xóm trọ của những người công nhân, những người lao động nghèo này. Anh nằm trên chiếc võng mắc ngang phòng, khẽ đung đưa, tưởng tượng mình đang mắc võng ở khu vườn đầy gió mát lành, thơm dịu mùi cây trái ở dưới quê để dỗ mình vào giấc ngủ.
Giấc ngủ trong cái nóng hầm hập khiến anh như mê man. Anh chỉ sực tỉnh khi những công nhân không phải tăng ca đã trở về phòng trọ để chuẩn bị bữa cơm chiều. Anh đứng dậy, thấy đầu óc mình quay cuồng, choáng váng. Anh mở cửa. Trời đã về chiều nên không khí cũng có vẻ dịu bớt đi một chút. Vậy là hết một ngày.
Hôm nay nhà chủ chỗ anh làm việc có đám tiệc nên quán đóng cửa, anh được nghỉ. Không bạn bè, không người thân nên anh chẳng biết đi đâu. Ở thành phố này, anh chỉ quen Ti. Anh lên thành phố cũng vì Ti. Nhưng lâu rồi Ti không ghé qua xóm trọ. Nghĩ đến Ti, tự dưng anh thấy một nỗi lo lắng mơ hồ dấy lên. Bữa anh ghé quán cơm Ti phụ ngày đầu mới lên thành phố, người ta bảo Ti nghỉ, làm ở chỗ khác rồi. Anh hỏi Ti làm ở đâu, người ta trả lời không biết. Ti nghỉ ngang, không báo lại. Khi anh quay người đi, còn nghe loáng thoáng:
– Con nhỏ đó đẹp vậy, sao mà giữ được?
Chắc người ta nghĩ anh là người yêu của Ti. Anh yêu Ti thật, nhưng yêu đơn phương. Anh cục mịch, xấu xí, nào dám thổ lộ tình yêu với Ti. Mà kể cả anh có đẹp trai, chắc anh cũng không dám nói cho Ti biết tình cảm của mình.
Anh quay vào phòng, lấy bộ quần áo ra bể nước tắm. Anh tranh thủ tắm sớm kẻo lát nữa mọi người trong xóm trọ kéo về lại phải chờ đợi, chen chúc. Cả khu phòng trọ hơn chục phòng với mấy chục con người mà chỉ có hai cái phòng tắm tí tẹo, một cho nam, một cho nữ. Nhiều lúc đông quá, mấy gã đàn ông đứng cả ra ngoài để tắm. Anh vục nước lên mặt. Thứ nước giếng khoan nhờ nhờ vàng và bốc mùi hơi tanh. Tắm bằng thứ nước ấy thấy da hơi rin rít khó chịu, nhưng lâu rồi cũng quen. Nước mát khiến anh cảm thấy sảng khoái.
Lau khô đầu tóc, anh lững thững đi bộ ra đầu hẻm. Quán cơm bụi đằng ấy hơi xa nhưng bán rẻ, được nhiều cơm hơn các quán khác. Anh đi làm, một bữa ăn cơm ở nhà chủ, một bữa ăn ngoài quán. Lương thấp, phải chọn quán nào rẻ để tiết kiệm ít tiền gửi về cho mẹ. Nghĩ đến việc gửi tiền cho mẹ, tự nhiên anh thấy lòng phấn chấn. Ngày mai lĩnh lương, anh sẽ xin phép ra bưu điện gửi ít tiền về cho mẹ. Chắc hẳn mẹ sẽ vui lắm, lại khoe với mấy người hàng xóm rằng cái thằng ở nhà thì lầm lì, ít nói, hiền hơn cả con gái mà ra ngoài cũng kiếm được tiền gửi về cho mẹ.
Gửi tiền cho mẹ, mua phiếu cơm tháng, trả tiền nhà còn dư một ít, anh quyết định mua điện thoại cũ. Cái điện thoại “cục gạch”, chỉ để gọi và nhắn tin thôi nhưng cũng đủ để anh thấy háo hức.
Bước ra khỏi cửa hàng điện thoại, anh bất ngờ thấy Ti. Ti đi xe tay ga đẹp lắm, ăn mặc cũng khác nữa. Ti trang điểm, tô môi, kẻ mắt, nhưng anh vẫn nhận ra Ti. Cái dáng thon thon, khuôn mặt trái xoan và nước da trắng như hoa bưởi ấy chẳng thể nào lẫn đi đâu được. Anh gọi tên Ti nhưng hình như Ti không nghe thấy. Cô phóng xe qua. Anh vội vã chạy theo. Cũng may đường đông nên Ti chạy chậm. Đến một quán cà-phê sang trọng thì Ti đứng lại. Nhìn thấy anh, Ti ngạc nhiên:
– Sao anh lại ở đây?
Anh muốn hụt hơi, nhưng không kịp thở mà vội nói luôn, sợ Ti lại đi mất:
– Anh gọi hoài mà em không nghe. Anh đến quán cơm em phụ mà người ta nói em chuyển đi lâu rồi.
Ti cười:
– Anh gọi Ti em không nghe là đúng rồi. Giờ lên thành phố, ai gọi cái tên quê mùa ấy nữa. Em đổi tên là Hương rồi. Mỹ Hương.
Anh chưa kịp hỏi Ti giờ ở đâu, làm ở chỗ nào thì có người gọi Ti. Ti dúi vào tay anh mảnh giấy thơm phức:
– Cạc-vi-dít của em đây. Có số điện thoại đấy. Có gì anh cứ gọi nhé. Em phải đi đây.
Ti bước vào quán. Qua lớp kính, anh thấy Ti choàng tay một người đàn ông trông có vẻ sang trọng. Anh thấy Ti cười. Anh thấy người đàn ông cúi xuống thơm lên má Ti. Tim anh như bị bóp nghẹt.
Buổi tối, khu nhà trọ mất điện. Anh thắp nến. Mùi nến cháy khiến căn phòng trọ như đặc quánh lại, bức bối. Anh sực nhớ ra tờ giấy Ti đưa. Tấm giấy thơm phức, dòng chữ màu tím nổi bật ghi tên Mỹ Hương. Anh bấm số điện thoại, lưu vào danh bạ cái tên anh đã khắc vào tim từ rất lâu: Ti. Tự nhiên, anh thấy lòng bức bối. Anh thèm một cơn gió mát.
Nhà anh và nhà Ti là hàng xóm. Anh không có cha, còn Ti không có mẹ. Ti không có mẹ là do lỗi của cha anh. Cha anh đã cùng mẹ Ti bỏ trốn khi anh mới bảy tuổi, còn Ti lên bốn. Một đứa con trai không có cha đã khổ, nhưng một đứa con gái không có mẹ lại càng khổ hơn gấp trăm lần. Những lần cha Ti say rượu, đánh Ti, anh thấy Ti ngồi khóc ở góc hè, anh thấy thương đến quặn thắt ruột gan.
Anh nghe mẹ kể, cha anh và mẹ Ti thương nhau mà ông bà nội anh không đồng ý vì mẹ Ti mồ côi. Hai người lấy vợ, lấy chồng nhưng vẫn không quên được nhau nên mới cùng nhau bỏ trốn. Mẹ anh chưa từng nói một lời trách móc cha dù anh biết mẹ đau khổ tột độ. Anh luôn cho rằng vì cha anh nên Ti khổ. Ít nhất, mẹ vẫn yêu thương anh, không bao giờ đánh mắng anh. Còn Ti ăn đòn như cơm bữa. Anh thấy có lỗi với Ti nên cứ âm thầm bảo vệ cô, để dành cho Ti khi thì quả na, lúc trái chuối chín. Rồi anh thương Ti lúc nào không hay. Anh không dám nói với Ti. Ti đẹp. Trong làng, rồi ngoài làng, kể cả trên huyện cũng có bao nhiêu người ngấp nghé, nhưng Ti bảo với anh:
– Em chỉ muốn đi khỏi cái xứ buồn nẫu ruột này thôi. Ít nữa em sẽ lên thành phố. Em sẽ kiếm thật nhiều tiền.
Mấy người có điều kiện ở xã, ở huyện Ti còn không ưng, một chàng trai quê mùa, cục mịch, nghèo, lại là con trai của người đã mang mẹ Ti đi thì càng chẳng dám mơ mộng đến được với Ti. Anh giấu kín tình cảm của mình chẳng cho ai biết. Nhưng mẹ anh biết. Bà không cấm cản, chỉ thở dài:
– Chắc tại cha mày mang mẹ nó đi nên giờ mày phải trả nợ thay. Con bé đẹp nhưng nông nổi lắm. Rồi cũng khổ…
Anh không biết mẹ nói anh khổ hay Ti khổ. Anh cũng chẳng dám hỏi. Anh thấy mắt mẹ rưng rưng. Không hiểu vì nhắc đến cha hay vì một lẽ gì khác nữa.
Ti quyết định lên thành phố. Anh cũng đi theo. Mẹ anh buồn. Nhưng bà không ngăn cản. Bà chỉ dặn dò anh:
– Cố gắng để ý con bé. Chẳng gì cũng là tình nghĩa xóm giềng.
Anh bấm số Ti. Anh gọi mấy cuộc Ti mới bắt máy. Biết là anh, Ti hấp tấp:
– Lúc khác em gọi lại sau. Em đang bận.
Anh nghe tiếng nhạc, tiếng chúc tụng, tiếng cười nói vọng qua điện thoại. Anh tắt máy, thấy lòng trống rỗng.
Ti ghé về phòng trọ thăm anh. Ngày nghỉ, xóm trọ đông đúc. Họ nhìn thấy Ti vào phòng anh thì ngạc nhiên, xì xầm. Nhìn quần áo trên người Ti, trang sức Ti đeo, đủ thấy toàn là những thứ đắt tiền. Ti với căn phòng trọ của anh, với bản thân anh tương phản nhau một cách tội nghiệp. Ti đến thăm anh mà anh lại thấy buồn. Anh thấy Ti và anh đã xa nhau lắm rồi. Ti bảo anh đừng ở lại thành phố nữa. Anh về quê, chăm sóc mảnh vườn, chăm sóc mẹ, chăm sóc cả người cha hay say xỉn giúp Ti. Anh cười. Chẳng gật cũng chẳng lắc. Anh chỉ hỏi giờ Ti làm gì.
– Em làm vợ người ta thôi, chứ em biết làm gì nữa.
Anh ít học. Nhưng Ti nói thế, anh hiểu. Anh tiễn Ti ra đến đầu ngõ, thấy Ti bước lên chiếc xe hơi sang trọng. Không phải người đàn ông bữa trước ở nhà hàng. Tự nhiên anh nhớ đến lời mẹ, rồi thấy môi mình mặn chát.
Sau bữa ghé thăm, lâu thật lâu Ti không đến, anh gọi Ti không được. Lòng anh như lửa đốt. Rồi đột ngột Ti gọi anh bằng một số lạ hoắc.
Anh lao vào bệnh viện. Ti nằm trên giường bệnh, quần áo dính máu, tóc tai nham nhở, người có vết bầm. Thấy anh. Ti bưng mặt khóc. Bác sĩ gọi anh, dặn dò:
– Cũng may cái thai không sao. Nhưng anh chú ý chăm sóc cô ấy cẩn thận.
Anh không hỏi Ti sao ra nông nỗi ấy. Nhưng anh đoán chắc Ti bị người ta đánh ghen. Xem phim thấy mấy cô gái đẹp đi làm vợ hờ bị vợ cả đánh ghen hoài. Mà mấy gã có gan cặp bồ chỉ lo thoát thân.
Ra viện, anh đưa Ti về quê. Anh bảo Ti:
– Cứ nói đứa nhỏ là con anh, nhé!
Ti không nói gì, cũng chẳng nhìn vào mắt anh. Chỉ thấy Ti đưa tay quệt nước mắt. Anh thấy có cơn gió như ngưng mãi trong lòng mình, không dứt.
Đào Thu Hà
Mục Truyện ngắn hay / Tiếp Thị Gia Đình