Ba ngày sau khi có thông tin về việc vụ việc trung úy Nguyễn Văn Bắc, cảnh sát nhổ nước bọt vào người chị Trần Tú Anh hôm 8−4-2016, buổi xin lỗi công khai đã diễn ra tại trụ sở công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, vào tối 11-4-2016.
Theo thông tin chị Trần Tú Anh cung cấp trên trang facebook cá nhân, vào lúc 0 giờ ngày 8-4, trung úy Nguyễn Văn Bắc, cảnh sát khu vực phường Trung Liệt đã đến khu chung cư trên địa bàn quận Đống Đa yêu cầu chị mở cửa để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, do trung úy Bắc không xuất trình được giấy tờ chứng minh mình đang thực thi công vụ nên chị Tú Anh không hợp tác mở cửa. Trong lúc tức giận, hai bên đã xảy ra tranh luận gay gắt và đỉnh điểm của sự việc là hành vi cảnh sát nhổ nước bọt vào người chị Tú Anh.
Khi biết được sự việc, công an phường Trung Liệt đã tạm đình chỉ công tác của trung úy Nguyễn Văn Bắc và tổ chức buổi xin lỗi công khai, trước sự chứng kiến của đại diện truyền thông, công an quận Đống Đa vào tối hôm 11−4.
Từ sự việc cơ quan công an phải xin lỗi dân vì người cảnh sát nhổ nước bọt nói trên, nếu chẳng may bạn rơi vào trường hợp tương tự, bạn có thể áp dụng các quy định của Luật tố cáo năm 2011 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình như sau:
♦ Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật Tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Người tố cáo có căn cứ cho rằng cơ quan, tổ chức hay cá nhân có hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của cơ quan, tổ chức thì báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật đó.
♦ Bạn được gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan hoặc thủ trưởng của cán bộ, công chức bị tố cáo theo quy định của pháp luật; được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác. Bạn có quyền yêu cầu cơ quan của người bị tố cáo, thủ trưởng – người có thẩm quyền giải quyết tố cáo – thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo.
♦ Nếu có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết, bạn có quyền được tố cáo tiếp.
♦ Bạn cũng có quyền được khen thưởng theo quy định của pháp luật nếu việc làm của bạn đem lại lợi ích cho Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của cơ quan, tổ chức.
♦ Đồng thời, khi thực hành quyền tố cáo, bạn có nghĩa vụ phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ và phải trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo có được. Bạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật gây ra.
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình