Nhà mình không giàu cũng không nghèo”, “người nghèo ở khắp nơi”, “mua bảo hiểm và đóng học phí cho tụi nhỏ” chính là những câu nói quen thuộc mà chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, thành viên nhóm Chuyên gia Giáo dục thuộc câu lạc bộ Phụ nữ hiện đại nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc trò chuyện với tôi. Mỗi lần nhắc về những mảnh đời mà mình đã từng giúp đỡ, chị kể một cách say sưa khiến cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài hơn nửa buổi trời so với dự kiến.
BƯỚC NGOẠT THAY ĐỔI CẢ CUỘC ĐỜI
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành du lịch, cô gái trẻ quê Lâm Đồng bắt đầu công việc là một nhân viên sân golf, sau đó chuyển công tác sang làm nhân viên khách sạn. Vài năm sau, chị lại lấn sân sang lĩnh vực chăm sóc khách hàng và sale. Vào thời điểm năm 2006, chị đã là trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với mức lương tương đương 1.000 USD/tháng.
Ấy vậy nhưng chỉ trong một chuyến đi về thăm quê chứng kiến những đứa trẻ vì sự thiếu hiểu biết của ba mẹ mà mang bệnh nan y trong người, chị đã từ bỏ tất cả, quyết tâm hướng lòng đến với công việc thiện nguyện.
Mặc dù đã tốt nghiệp thạc sĩ Xã hội học nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy đề nghị đừng nhắc đến danh xưng “chuyên gia tâm lý”, “chuyên gia xã hội”. Chị chỉ muốn mọi người gọi mình với cái tên Thúy thân thuộc vì vốn dĩ, công việc của chị nếu phân chia cấp bậc, địa vị là coi như thất bại. “Mình đem danh xưng ông này, bà nọ đến cứu giúp người nghèo thì họ càng thêm tủi thân. Hãy cứ là những người ngang hàng với nhau để họ cảm nhận mình không bị thương hại”, chị cho biết.
Vào năm 2014, chính chị là người phát hiện bệnh nhân mới xạ trị thèm vitamin và trái cây hơn bất cứ cao lương mỹ vị nào. Chị chia sẻ trường hợp của một bé gái 3 tuổi ở Kiên Giang ăn ngấu nghiến ngon lành một miếng xoài xanh.
Cũng từ hôm ấy, chị duy trì chiến dịch tặng trái cây tươi cho bệnh nhi ung bướu hàng tuần. Chị sẽ đích thân xuống tận các nhà vườn để mua xoài, cóc, ổi nhằm đảm bảo không bị tẩm thuốc. Những khi ở quê có quả hồng, dâu tây… chị cũng nhờ mẹ đóng thùng và gửi lên để đem tặng lại cho các bệnh nhân và người nhà.
LO TỪ NHÀ RA TỚI CỬA
Nặng lòng với xã hội cũng là lúc trăn trở với cộng đồng, chị Thúy quyết định làm một điều gì đó khi thấy giá trị của gia đình ngày càng bị mai một. Đó cũng là động lực để chị cho ra đời một cơ sở Hội quán Các bà mẹ (www.hoiquancacbame.com) vào năm 2007 – nơi để các bậc phụ huynh có thể trao đổi những vấn đề gia đình. Định kỳ mỗi tháng hai lần, chị sẽ tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về những câu chuyện thời sự với sự tham gia chia sẻ của nhiều vị giáo sư, bác sĩ có tiếng trên mọi lĩnh vực.
Mặc dù bộn bề công việc cộng đồng xã hội nhưng chị vẫn chu toàn gia đình. Vì luôn tâm niệm người sống vì người khác thì càng hiểu được giá trị cuộc sống mà mình đang có nên chị rất quan tâm các thành viên trong nhà, đặc biệt là hai đứa con của mình. Nhìn các con ngoan ngoãn, biết tiết kiệm và sống văn minh, chị cảm thấy mãn nguyện.
THÔNG TIN THÊM
♦ Chương trình Giải cứu hành tây do chị Nguyễn Thị Thanh Thúy tổ chức đã kịp thời giải phóng hơn 5 tấn hành tây cho nông dân Đà Lạt chỉ trong vòng hai ngày thực hiện tại Sài Gòn vào tháng 5–2015.
♦ Chương trình thai giáo với chủ đề “Hát ru – một phương pháp dạy con khoa học từ trong bụng mẹ” do chị tổ chức với sự chủ trì của cố giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê đã gây được tiếng vang lớn tại Việt Nam.
Bài: Vương Huy Khôi
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình