Chị Hạnh Dung cùng con gái năm tuổi tham gia một sự kiện và cô bé được dịp chạy lăng xăng quanh các đồng nghiệp của mẹ. Lát sau, một đồng nghiệp gặp chị Dung phàn nàn: “Bé Moon này, sao tôi ôm, nựng nó mà nó cứ đẩy tôi ra!”. Chị Dung cười: “Có thế mà cũng hỏi! Vì ở nhà tôi dạy cháu nếu người lạ nào đụng vào người hoặc ôm con, con cần phải đẩy ra ngay”. Chị Hạnh Dung chỉ thuộc số rất ít các bà mẹ đã sớm dạy con về cách tự vệ và giữ gìn thân thể phòng tránh sự xâm hại. Rất nhiều trẻ chưa từng được hướng dẫn về cách phòng tránh ấu dâm và đã trở thành nạn nhân mà bố mẹ vẫn không hề hay biết. Nhiều tin tức liên quan đến ấu dâm trong thời gian gần đây là minh chứng rõ nhất.
ẤU DÂM LÀ GÌ?
Ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục, bao gồm những ham muốn tình dục đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên, tức là khoảng dưới 14 tuổi. Một người được coi là ấu dâm phải ở độ tuổi ít nhất là 16, phải lớn hơn đối tượng bị hại ít nhất 5 tuổi. Điểm dễ nhận thấy ở những người mắc bệnh này là luôn tìm cách tiếp cận với trẻ (bé trai hoặc gái, sơ sinh, vị thành niên) và thường xuyên dùng tay va quẹt vào các vùng nhạy cảm trên thân thể bé. Do vậy, bạn cần quan sát kỹ khi con tiếp xúc với người lớn hơn, đặc biệt là người lạ.
TRUYỀN THÔNG GIÚP CON TRÁNH ẤU DÂM
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, người sáng lập kiêm Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ cho biết: “Bạn nên thường xuyên trao đổi với con về những kẻ có thể lợi dụng thân thể bé và đưa ra những tình huống, sắm vai để bé tập đối phó. Cụ thể hơn, bạn hãy:
1. Dạy trẻ biết yêu quý và bảo vệ thân thể: Bạn nói với con rằng ngoài lúc cha mẹ vệ sinh cho con, không ai được sờ hay chạm vào “vùng tam giác” của con. Gia đình cũng cần thống nhất với nhau về cách âu yếm, không nên cù lét, bẹo má, vỗ đùi hay mông trẻ. Có như vậy, trẻ mới phân biệt rõ ràng khi bị xâm hại thân thể.
2. Hướng dẫn trẻ ăn mặc kín đáo: Cách phòng tránh ấu dâm cho con là bố mẹ không nên để trẻ lộ quá nhiều da thịt, thân thể, gây kích thích kẻ ấu dâm ham muốn. Đặc biệt, trẻ đi học múa, học thể dục, khi ra khỏi sàn tập cần thay quần áo chỉnh tề trước khi về nhà.
3. Dặn trẻ cẩn trọng với người lạ, cả với người quen: Dặn trẻ nếu cha mẹ không thông báo trước, trẻ tuyệt đối không nghe theo hoặc đi theo ai sau giờ học. Đó là lúc kẻ ấu dâm thường lợi dụng đưa ra chỗ vắng để xâm hại.
4. Gần gũi, trò chuyện và đừng né tránh câu hỏi của trẻ: Kẻ ấu dâm và những kẻ lạm dụng tình dục nói chung sẽ dụ dỗ, đe dọa để trẻ đừng kể lại với bố mẹ. Song trẻ con vẫn có lúc rụt rè hỏi mẹ, ví dụ con thấy đau, rát chỗ ấy. Lúc này, bạn hãy hỏi bé cặn kẽ và có biện pháp giúp trẻ vượt qua tổn thương, nếu có. Ngay cả với trẻ chưa từng là nạn nhân, bạn cũng nên thẳng thắn trò chuyện để con biết có những nguy cơ như trên.
THÔNG TIN THÊM
Để hướng dẫn trẻ giao tiếp, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Lan Hải chia sẻ về luật bàn tay. Bàn tay có 5 ngón và được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp.
1. Ôm hôn: Với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.
2. Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.
3. Bắt tay: Khi gặp người quen.
4. Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.
5. Xua tay: Không tiếp xúc và hãy hét to, bỏ chạy nếu người xa lạ mà bé cảm thấy bất an đến gần và có cử chỉ thân mật.
Các bà mẹ có thể gửi e-mail: hoiquancacbamehcm@gmail.com hoặc gọi vào đường dây nóng của của Hội quán Các bà mẹ để được hỗ trợ về cách phòng tránh ấu dâm cũng như các vấn đề nuôi dạy con khác: 090 835 0590.
Bài: DIỆP QUỲNH – Ảnh chỉ mang tính chất minh họa