Thông tin gây chấn động về nghi án rửa tiền vừa được tiết lộ trên tờ Süddeutsche Zeitung (Đức), dựa trên cơ sở dữ liệu nội bộ của công ty luật đa quốc gia Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Dữ liệu tối mật này được đánh giá là nhiều gấp 100 lần bí mật mà WikiLeaks khám phá được vào năm 2010.
Số tài liệu khủng gồm 11,5 triệu trang này được gửi đến Süddeutsche Zeitung và hàng loạt các tờ báo khác là kết quả của quá trình điều tra do Tập đoàn Quốc tế các Nhà báo điều tra (ICIJ) dẫn đầu, với sự tham gia của 400 nhà báo, đến từ 100 tổ chức truyền thông, tại hơn 80 nước.
Theo tài liệu trên, công ty Mossack Fonseca đã lập ra một mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ các doanh nhân, người nổi tiếng, ngôi sao thể thao… che giấu tài sản và “rửa” hàng tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, vấn đề được công chúng quan tâm hơn hết chính là nghi án rửa tiền này có liên quan đến 72 lãnh đạo và cựu lãnh đạo các quốc gia trong giai đoạn từ năm 1977 đến cuối năm 2015. Các nhân vật cấp cao có tên trong danh sách này có thể kể đến là: Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Thủ tướng Pakistan, Tổng thống Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chia sẻ về nghi án rửa tiền chấn động thế giới, nhà kinh tế tại Đại học California ở Berkeley, Gabriel Zucman, đã cho rằng: “Những phát hiện này cho thấy các hành vi sai trái đã ăn sâu thế nào và các hoạt động quản lý tài sản ở nước ngoài đang mang đầy dấu hiệu phạm tội ra sao”. Theo ông Zucman, các chính phủ cần có biện pháp kiên quyết với những thể chế và tập đoàn có liên quan tới việc giấu tài sản.
Rửa tiền thực chất là hoạt động hợp thức hóa khoản tiền phi pháp, khéo léo giúp nó thoát khỏi việc giám sát. Khi có được những khoản tiền này, người ta sẽ chuyển chúng đến một công ty con của trung tâm tài chính nước ngoài. Sau đó, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản không ghi tên thuộc sở hữu của một công ty ma nào đó. Từ đây, số tiền trên được hợp pháp hóa và đường hoàng lưu chuyển khắp thế giới như một loại tiền “sạch”.
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình
Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây
Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.