Lối thoát cho hạn mặn cho người dân đồng bằng sông Cửu Long

Khi Trung Quốc chủ động nguồn nước ngọt, hạn mặn sẽ tiếp diễn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long. Để tạo lối thoát cho hạn mặn, không chỉ có riêng người nông dân cần cố gắng

Chúng tôi có mặt tại Trà Vinh, một tỉnh ven biển ở miền Tây Nam bộ những ngày cuối tháng Ba. Hạn mặn đang diễn ra đỉnh điểm và gây thiệt hại nặng nề tại đây.

THUA CƯỢC VỚI HẠN MẶN

Từ thành phố Trà Vinh, đi dọc theo quốc lộ 53, qua các xã Châu Thành, Phước Hưng, Tập Sơn để về thị trấn Trà Cú, chúng tôi chứng kiến những cánh đồng lúa cháy khô như rơm phơi, thay vì trĩu hạt như mọi năm. Đến xã Hàm Giang, chúng tôi gặp ông Thạch Xớt, một nông dân đang phơi lúa. Ông nói: “Mọi năm, nhà tui thu hoạch 12 bao lúa trên mỗi công (1.000m2), mỗi bao chừng 50kg. Năm nay, chỉ thu được chừng 3–4 bao lúa, giảm hơn một nửa. Nhà tui có lúa mang về phơi còn may đó. Có nhà mất trắng 100%. Lúa cháy hết, cắt về bò cũng không ăn được, chỉ còn cách để phơi khô ngoài ruộng thôi”.

loi thoat cho han man hinh anh 1

Diện tích lúa thiệt hại do xâm nhập mặn là 5.459,1ha

Bốc một nắm lúa, ông Thạch Xớt bảo: “Dù có lúa nhưng hạt đen và lép. Giá bán năm nay cao hơn năm ngoái, chừng 5.700 đồng/kg, 1 thiên lúa (tấn thóc) cũng được khoảng 5 triệu đồng nhưng làm gì có lúa để bán”. Ông Thạch Xớt chỉ là một trong số hàng trăm hộ đang lâm vào cảnh khốn đốn vì hạn mặn ở Trà Vinh. Người dân đã không còn cách cứu lúa, đành phó mặc cho trời, thu hoạch được chừng nào hay chừng đó.

Hiện trạng thất thu chưa từng có suốt mấy chục năm qua khiến nông dân bừng tỉnh. Bởi từ trước tới nay, bà con cứ làm nông nghiệp theo quán tính. Lúc xạ (gieo) lúa, nhà nước cũng đã cảnh báo về tình trạng hạn mặn. Song trước thông tin bất thường đó, người dân cũng chỉ nghe và không biết phải đối phó thế nào. Một nông dân địa phương nói: “Mấy năm trước, năm nào cũng trúng mùa, hổng lẽ năm nay lại bỏ đất trống nên nhiều người vẫn cứ xạ lúa, cũng không nghĩ hậu quả nặng nề vậy. Ai cũng tiếp tục xạ, ở trong một khu ruộng, nếu tôi không làm theo, người ta xả (cho) nước vào ruộng theo mương, ruộng sẽ mọc cỏ um tùm, mùa sau làm đuối lắm”.

loi thoat cho han man hinh anh 2

Diện tích lúa thiệt hại do xâm nhập mặn là 5.459,1ha

Đứng giữa đất ruộng nứt nẻ cả 1–2 lóng tay, một nông dân địa phương nói: “Bây giờ chúng tôi không than thở, hay cần cảm thông mà đang tìm lối thoát cho hạn mặn”. Bà con rất muốn nghe những tư vấn để giảm thiểu thiệt hại trước nguy cơ thiếu nước năm nay và các năm sau nữa.

ĐỐI PHÓ TẠM THỜI 

Trong bối cảnh đồng lúa xơ xác, chúng tôi tìm kiếm những góc tranh tươi sáng hơn. Bà con miền Tây quen sống chung với lũ thì cũng đến lúc tự cứu mình trước khi người khác cứu, tìm cách sống chung với hạn mặn.

Nuôi cá thương phẩm có thể là một lựa chọn để thích nghi với điều kiện hạn mặn như năm nay. Nằm trên chiếc võng trong lều nhìn ra hơn 20 chục đìa cá của mình, ông Hồ Minh Cảnh, xã Hàm Tân nói: “Mấy chục đìa cá của tôi vẫn thu hoạch tốt, bán với giá cao là 36.000–37.000 đồng/kg, hơn hẳn năm kia. Độ mặn năm nay tới 17–18% nhưng tôi sống quen và biết cách xử lý mặn để cá an toàn”.

Ông Cảnh cho hay: “Theo tôi, những hộ nuôi cá lóc bị thiệt hại do mặn là họ không có kỹ thuật nuôi, không biết xử lý nước. Họ bơm thẳng nước từ sông, kênh rạch vào ao và cũng không chủ động nguồn nước ngọt của mình. Tôi làm khác. Trong diện tích 50 công đất này, tôi khoan một chiếc giếng để chủ động nguồn nước ngọt. Bên cạnh giếng, tôi dành riêng một đìa chỉ để xử lý nước. Khi bơm nước ngọt lên, xử lý khoáng chất, sau đó bơm nước mặn vào, đo nồng độ mặn đạt tiêu chuẩn nuôi cá, tôi mới bơm vào các hệ thống ống dẫn nước, trút xuống đìa nuôi. Nhiều hộ bị cá chết hàng loạt là do cách nuôi, kỹ thuật nuôi chứ không phải mặn làm cá chết hàng loạt”.

loi thoat cho han man hinh anh 3

Nước ở khu ao cá đã được xử lý giảm mặn

Khi được hỏi: “Sao không truyền kinh nghiệm cho bà con để có lối thoát cho hạn mặn?”. Ông cười lớn: “Truyền đạt kinh nghiệm người ta đâu tin. Ở xứ này, người làm ăn thắng lợi được xem là hên, người thua bị xem là xui, chứ không thừa nhận cách làm giỏi hoặc hay đâu. Lúc thấy tôi đầu tư cống, đìa xử lý nước, giếng, “chôn mấy trăm triệu đồng xuống đất ”, mọi người bảo tôi phí, ngu, “đất đâu mà làm vậy”, đến hôm nay họ mới ghi nhận việc tôi làm”.

Ông Cảnh còn chia sẻ: “Nuôi cá đem lại lợi nhuận cao. Trong lịch sử nuôi cá của tôi, dù giá xuống thấp vẫn chưa từng lỗ. Hiện tại, cá tôi nuôi chỉ đủ cho các thương lái, chỉ sợ không có hàng để cung cấp thôi”. Ông còn khẳng định: “Trồng lúa, nuôi cá hay làm bất cứ thứ gì mình cũng phải chủ động, không chờ ai giúp mình được, càng không nên dựa vào trời. Tiềm năng nuôi cá ở đây rất lớn nhưng phải có kỹ thuật, phải có vốn, chịu bỏ tiền thì mới có thắng lợi”.

Chọn cây thay thế tạm thời: Đến Hợp tác xã Thành Công, ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, Trà Vinh, hàng chục công nhân đang lo lặt những bao ớt xanh, chín rồi đóng bao cẩn thận. Hai chiếc xe tải đậu ngay trong sân, sẵn sàng đem lượng ớt khổng lồ này đến Củ Chi, Hoóc Môn, TP. HCM… giao cho các công ty chuyên xuất khẩu các sản phẩm này ra nước ngoài.

loi thoat cho han man hinh anh 4

Những bao ớt chờ vận chuyển

Anh Từ Ngọc Ngà, giám đốc Hợp tác xã Thành Công, chia sẻ: “Năm nay mùa ớt không bị thất mùa như lúa, thu nhập cao gấp 7–8 lần lúa hiện nay”.

Chúng tôi đi đến xã Mỹ Chánh, ấn tượng với ao sen rộng 9.000m2 của nông dân Trần Văn Tràng. Đất khô cong và nứt nẻ to. Thế nhưng ông Tràng lạc quan: “Mùa hạn thì thiếu nước, mùa ngập lại không có lối thoát nước. Năm nào trồng lúa cũng thất bát, tôi chuyển sang trồng sen để bán ngó sen đã hai năm nay. Một năm, dù chỉ làm một vụ vào mùa mưa, tôi cũng thu được cả 100 triệu đồng, trừ hết vốn đầu tư, tôi còn 60–70 triệu đồng, có lời rồi”.

LỐI THOÁT CHO HẠN MẶN: GIẢI PHÁP DÀI HẠN 

Theo ông Đồng, huyện Trà Cú từng là thủ phủ của hành tím, nhãn da bò và Phòng Nông nghiệp cũng tìm các giống cây trồng mới để nâng cao thu nhập cho nông dân, nhưng hiện tại chưa tìm được đầu ra ổn định. Hướng dẫn bà con mô hình trồng ca cao xen trong vườn dừa cũng là một lối ra. Ca cao phát triển tốt nếu nông dân có cách đầu tư, chăm sóc phù hợp. Thế giới đang cần nguồn cung cấp hạt ca cao. Việt Nam, ngoài Trà Vinh có nhiều vùng làm được điều này. Vậy sao các doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư?

SAU MẶN, NÔNG DÂN NÊN LÀM GÌ?

Dù chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng đảm bảo năng suất lúa cũng là đảm bảo nguồn kinh tế của nhiều gia đình và lương thực quốc gia. Do vậy, ông Trần Văn Đồng cho biết để tiếp tục trồng lúa, nông dân hãy:

♦ Xử lý đồng ruộng cho vụ hè thu như sau: Sau khi thu hoạch, bà con nên cày ải, phơi đất, chờ mưa xuống để rửa đất làm giảm độ mặn.

♦ Vụ hè thu phải xạ trễ hơn các năm. Các năm trước, bà con xuống giống giữa tháng 4 đầu tháng 5, nay phải chờ đến đầu tháng 6. Gieo trồng trễ, chờ giảm mặn để không hại cây lúa.

♦ Khi có nước ngọt về, huyện xả nước mặn ở các kênh nội đồng, đẩy nước mặn ra khỏi vùng nội đồng, sau đó trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất. Tình hình hạn mặn phức tạp, bà con nên thường xuyên cập nhật thông tin để kịp thời ứng phó.

loi thoat cho han man hinh anh 5

Người dân có thể chuyển sang trồng cây ngắn hạn như bí ngô để tìm lối thoát cho hạn mặn

Ông Trần Văn Đồng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Trà Cú, cho biết: “Ở những giồng đất cát, cát pha, người dân có thể chuyển sang các cây hoa màu ngắn hạn, đem lại giá trị cao như ớt, bí ngô, dưa leo, cà tím, đậu phộng, bắp nếp để tiết kiệm nước ngọt. Còn ở những vùng đất trũng, đất sét, người dân có thể chuyển đổi sang trồng bắp và một số cây màu khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Nói về giả định xả mặn, chuyển đổi sang một vụ lúa, một vụ nuôi tôm, cua, ông Đồng cho rằng: “Cơ cấu một vụ lúa một vụ tôm chỉ phù hợp với vùng ngoài đê, giáp sông lớn ở một số xã như Đông Xuân, Đông Châu và Hàm Tân. Mùa mưa tới, có nước ngọt tự nhiên sẽ trồng lúa và khi mùa hạn sẽ lợi dụng nước mặn để nuôi tôm, cua. Tuy nhiên, theo tôi, mở cống xả mặn toàn vùng là không khả thi. Bởi lẽ, nếu đất nhiễm mặn trồng lúa lại sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hoa màu cũng kém phát triển. Mình đã ngọt hóa được rồi, tội gì phải đưa mặn vô để phá vỡ tài nguyên đất?”.

Bài: Xoa Nguyễn
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua