Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Thuấn − phó giám đốc Bệnh viện K, phó chủ tịch kiêm giám đốc quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng, trong buổi hội thảo “Tiếp cận toàn diện trong kiểm soát ung thư vú”, diễn ra vào sáng ngày 27−3 vừa qua tại khách sạn Sheraton, TP. HCM.
Chương trình là sự phối hợp giữa quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng với bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, dưới sự tài trợ của Văn phòng đại diện Hoffmann – La Roche.
Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ phương phát tiếp cận toàn diện trong kiểm soát ung thư vú. Chương trình có sự tham gia của hơn 200 bác sỹ trong lĩnh vực điều trị ung thư ở nhiều tỉnh thành và sự hiện diện của các chuyên gia đầu ngành, cùng các chuyên gia Ung thư quốc tế như Giáo sư Antonio Lombart, Giáo sư Nadia Harbeck, Giáo sư Indraneel Mittra.
Trong báo cáo trước hội thảo, bác sỹ Chuyên khoa II Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP. HCM, cho biết: “Ung thư vú là căn bệnh ung thư rất thường gặp trên thế giới và tại Việt Nam. Ở nữ, nguy cơ mắc ung thư vú trung bình là khoảng 1/8 trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích), thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm”.
Theo đó, nếu được tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú thì khả năng chữa khỏi bệnh là hơn 80% ở giai đoạn 1. Sang giai đoạn 2, tỉ lệ này sẽ là 60% và sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp. Nếu để đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ mang ý nghĩa kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Việc kiểm soát ung thư vú có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sức khỏe của từng bệnh nhân và cũng có tác động tích cực đến sự phát triển của toàn xã hội. Theo thông tin các giáo sư chia sẻ, ở Mỹ chi phí trung bình để cứu sống một người bị ung thư vú khoảng 600.000 USD.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các bác sỹ và chuyên gia quốc tế đã tham gia thảo luận, củng cố kiến thức về phương pháp “Điều trị ung thư vú HER2+ tiếp cận trên từng nhóm bệnh nhân. Ung thư vú HER2 dương tính là một trong những loại ung thư khá phổ biến và phát triển nhanh hơn so với các trường hợp ung thư còn lại. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phòng chống Ung thư − Bệnh viện K, mỗi năm có khoảng 12.000 trường hợp mắc mới ung thư vú, trong đó có 25% là HER2+. Qua cuộc hội thảo này, các bác sỹ và chuyên gia đầu ngành đã có thêm kiến thức bổ ích, mang đến nhiều hy vọng sống còn cho bệnh nhân.
Tiếp Thị Gia Đình