Khoảng 10.000 tấn thực phẩm cấm bị bắt giữ sau chiến dịch mang tên Opson. Chiến dịch truy quét kéo dài 3 tháng, từ tháng 11−2015 đến tháng 2−2016. Đây là sáng kiến của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), có sự tham gia của cảnh sát 57 nước. Các hãng thông tấn quốc tế cho biết thông tin như trên.
Trong chiến dịch truy quét, lực lượng cảnh sát, hải quan, cơ quan quản lý thực phẩm ở mỗi quốc gia đã thực hiện kiểm tra tại cửa hàng, chợ, sân bay, cảng biển. Khi kiểm tra đã phát hiện số lượng lớn thực phẩm cấm, có rượu, thịt khỉ, ô liu. Cụ thể lượng rượu giả có thể đổ đầy 12.000 bồn tắm, trong đó có 10.000 lít rượu đã bị pha thêm tạp chất tại Vương quốc Anh. Cảnh sát Italy phát hiện 85 tấn ô liu bị nhuộm màu bằng sulphate đồng để tăng màu xanh cho quả.
Ngoài ra, trong danh sách phát hiện thực phẩm cấm còn có: 450kg mật ong bị pha trộn bị thu giữ tại Úc; 9 tấn đường nhiễm phân bón bị thu giữ tại thủ đô Khartoum của Sudan; 70kg lòng mề gà bảo quản trong formaldehyde bị phát hiện ở Indonesia, một nhà kho chứa hàng ngàn hộp cá trích và nhãn mác giả của một thương hiệu nổi tiếng khác ở Peru.
Cảnh sát Thái Lan phanh phui một mạng lưới nhập khẩu thịt trái phép từ Ấn Độ và tiêu hủy hơn 30 tấn thịt không đảm bảo chất lượng chuẩn bị được tuồn vào siêu thị. Cảnh sát Hàn Quốc bắt một người đàn ông bị nghi có liên quan tới đường dây buôn lậu thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân chứa thành phần nguy hại. Theo Europol, tổng giá trị bán ra của các sản phẩm giảm cân giả này ước tính lên tới 170.000 USD.
Chắc chắn 10.000 tấn thực phẩm cấm này đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Con số này phản ánh rõ mối đe dọa của nạn gian lận thực phẩm.
Đây là năm thứ năm chiến dịch Opson triển khai trong hoạt động hợp tác giữa Interpol và Europol. Đầu tiên ra mắt vào năm 2011, ban đầu, chiến dịch chỉ có 10 quốc gia ở châu Âu. Đến nay, có nhiều nước tham gia vào các cuộc truy quét của Chiến dịch Opson hơn. Mục tiêu của hoạt động này là để xác định và triệt tiêu mạng lưới tội phạm có tổ chức đằng sau việc buôn bán hàng giả. Đồng thời hoạt động này cũng tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật liên quan và các cơ quan quản lý.
Trong xu hướng thương mại toàn cầu hóa, nhiều người Việt Nam cũng tiêu dùng hàng nước ngoài. Để tránh mua phải hàng gian, hàng giả, các thực phẩm độc hại, bạn cần hiểu kỹ về mặt hàng muốn mua, chỉ mua hàng hóa ở các địa chỉ tin cậy, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe chính mình.
Hạnh Thủy
Tiếp Thị Gia Đình
Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây
Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.