Tàng Thị Kim: Cô bé xây ước mơ từ gánh củi

Mười năm trước, núi đồi thôn Nà Miền, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, đã in dấu chân cô bé Tàng Thị Kim ngày ngày lên rừng lấy củi

Nếu ai hỏi ước mơ lớn nhất thời thơ ấu là gì, tôi sẽ nói tôi chỉ cần một gia đình có đầy đủ bố và mẹ. Trước đây, khi bố còn khỏe mạnh, gia đình tôi cũng có một cuộc sống ấm êm trên quả đồi nhỏ. Từ khi bố mắc bệnh ung thư, của cải trong nhà dần đội nón ra đi.

NHỮNG NGÀY LÊN RỪNG TÌM CỦI

Sau ngày bố mất, ba anh em chúng tôi cùng mẹ phải dọn về ở trong ngôi nhà rộng khoảng 10m² cạnh nhà ông bà nội. Cuộc sống khốn khó trăm bề. Một buổi tối năm tôi lên 8 tuổi, mẹ bỏ đi. Ba anh chị em chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc rưng rức.

Ông bà nội tôi đã già yếu lắm, cuộc sống chỉ trông vào sào ruộng nhỏ, vụ có vụ không, nhưng vẫn dang tay đón mấy đứa cháu bơ vơ và côi cút. Ngoài giờ học, tôi giúp ông bà trồng rau và lên rừng lấy củi.

Tang Thi Kim hinh anh 1

Cô bé gánh củi Tàng Thị Kim đã trở thành sinh viên

Rừng cách nhà khoảng 8km, tôi gài dao sau lưng, đi chân trần lội suối vượt đèo tìm củi. Rắn rết, ong rừng nhiều vô kể, có lần lùa trúng tổ ong, tôi bị chúng đốt sưng vù mặt mũi. Lúc đầu tôi cũng sợ lắm, nhưng đi nhiều thành quen, tôi có thể đoán được chỗ nào có tổ ong để tránh, gặp rắn thì bình tĩnh đi qua. Niềm vui của tôi lúc ấy là làm sao lấy được bó củi to để xuống chợ đổi cân gạo. Mỗi bó củi giá 7.000 đồng, tích lại mấy hôm đi rừng là tôi có thể đổi lấy 5 cân gạo cho cả nhà ăn một tuần.

NỖ LỰC PHI THƯỜNG

Khi tôi lên cấp hai, giữa lúc khó khăn, tôi được xã giới thiệu đến Trung tâm Hy vọng Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn). Các bác trên xã động viên tôi đến trung tâm này vì không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”. Trung tâm là cơ sở nuôi dạy những em nhỏ có hoàn cảnh cơ nhỡ và mồ côi cha mẹ. Đến đây, tôi sẽ tiếp tục được đến trường. Khi ấy, dù rất muốn đi học, nhưng tôi lại không nỡ xa gia đình, xa ông bà già yếu.

Thế nhưng, tôi nghĩ, nếu không học hành đến nơi đến chốn, tôi sẽ chẳng giúp được gì cho ông bà, rồi sẽ quẩn quanh trong cái nghèo. Tôi quyết định chuyển vào trung tâm sinh sống. Ở trung tâm, ngoài giờ đến trường, tôi giúp các em nhỏ học tập, cùng các bác, các mẹ trồng rau và nuôi lợn nuôi gà.

Tang Thi Kim hinh anh 2

Thấm thoát mùa thi quyết định của cuộc đời tôi rồi cũng đến. Không có tiền ôn thi bên ngoài, tôi tự học. Để nhớ được khối kiến thức khổng lồ của các môn xã hội, tôi học theo kiểu sơ đồ, chỉ đọc sách hai lần, gấp sách lại, viết ra giấy những ý chính rồi bồi đắp thêm những chỗ còn thiếu. Cách học đó giúp tôi nhớ nhanh và lâu.

Mùa thi năm đó, tôi muốn hét lên khi có tên mình trong danh sách thí sinh trúng tuyển Học viện Hành chính Quốc gia. Cô bé đi lấy củi nhỏ thó, đen nhẻm ngày nào giờ đã là tân sinh viên với biết bao ước mơ, hoài bão.

Tôi tin, sau cơn giông bão, mọi thứ sẽ tươi sáng hơn. Tuổi thơ tự lập trong gian khó đã giúp tôi hiểu ra: phép màu sẽ đến nếu bản thân không ngừng nỗ lực và mọi khó khăn sẽ qua nếu mình luôn cố gắng.

THÔNG TIN THÊM

♦ Em Tàng Thị Kim, sinh năm 1997, quê ở thôn Nà Miền, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, hiện là sinh viên năm nhất, Học viện Hành chính Quốc gia.

♦ Tàng Thị Kim tâm sự, hiện anh trai em đã đi làm và lo chi phí cho em đi học. Thương anh vất vả, em luôn chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể. Em dự định năm tới sẽ tìm việc làm thêm để tự trang trải chi phí.

Bài: Thu Hà

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua