Nữ sinh bị tạt axít bỏng nặng ở mặt và hỏng một mắt

Hôm nay (ngày 30 – 3), hai nữ sinh bị tạt axít khi chạy trên đường tại quận Gò Vấp, TP. HCM. Một trong hai nạn nhân bị bỏng nặng ở mặt và hỏng mắt trái

Khoảng 10 giờ 30 ngày 30 – 3, hai cô gái (20 – 21 tuổi) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Quang Trung theo hướng ngã 5 Gò Vấp về cầu vượt Quang Trung. Khi cách cầu Chợ Cầu (P. 14, Q. Gò Vấp, TP. HCM) khoảng 100m, từ phía sau xuất hiện hai người đàn ông chạy xe máy lao tới tạt ca chất lỏng nghi là axít vào cô gái cầm lái rồi tăng ga tẩu thoát. Các nhân chứng có mặt tại hiện trường không kịp nhìn biển số xe của hai tên đó.

Hai nạn nhân loạng choạng tay lái rồi ngã ra đường, chất lỏng khiến trang phục, mặt, tay của nạn nhân bốc khói. Người dân phải vội vàng ứng cứu bằng cách tạt nước. Sau đó, hai cô gái được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) cấp cứu.

Bác sỹ Ngô Lê Đại, trưởng ca cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), cho biết một bệnh nhân nữ là sinh viên (20 tuổi, quê Đắk Lắk) bị bỏng nặng độ 3 – 4, chiếm 75% diện tích khuôn mặt và bỏng giác mạc mắt trái dẫn đến bị mù, mắt phải bị tổn thương da mi, vài ngày nữa mới đánh giá được mức độ nghiêm trọng. Trước mắt nữ sinh bị tạt axít này được cắt lọc vết thương. Tuy nhiên, với mức độ bỏng sâu và diện tích rộng như vậy, gương mặt gần như bị hủy hoại. Sau này, nạn nhân còn phải thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần mới có thể khắc phục được. Bệnh nhân nữ còn lại (21 tuổi, quê Bình Thuận) bị bỏng nhẹ.

Đại tá Trà Văn Lào, Trưởng Công an Q. Gò Vấp, TP. HCM, xác nhận Cơ quan điều tra Công an quận đang thụ lý để làm rõ vụ nữ sinh bị tạt axít trên địa bàn quận.

nu sinh bi tat axit hinh anh 2

Tại hiện trường hai nữ sinh bị tạt axít

THỦ PHẠM TẠT AXÍT BỊ TỘI GÌ?

Luật gia Nguyễn Thị Xuân Phương (Nguyên Phó Chánh án TAND TP Hà Nội) phân tích thực tế, hành vi tạt axít có thể truy tố theo hai tội danh cố ý gây thương tích hoặc giết người, tùy theo tính chất hành vi và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Muốn xác định một hành vi là gây thương tích hay giết người, phải căn cứ vào hành vi khách quan, động cơ, mục đích, hậu quả thương tật… Còn muốn xác định đó là hành vi giết người, phải căn cứ vào nồng độ đậm đặc của a-xít, vị trí tạt a-xít (đầu, mặt), hành vi phạm tội quyết liệt đến cùng thể hiện việc cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân…

Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng Luật sư Bross và cộng sự), có nhiều lý do khiến tòa không xử lý hành vi tạt axít người khác là tội giết người. Thực tế, chưa có vụ án nào kết án người phạm tội bởi hành vi này vào tội giết người (Điều 93 Bộ luật Hình sự) mà chỉ xử lý ở tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (theo Điều 104 Bộ luật Hình sự).

Thủ phạm tạt axít có thể bị phạt tù từ 5 – 15 năm. Nếu vô ý, với tính sát thương cao của axít, họ cũng có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

TẠI SAO AXÍT LẠI NGUY HIỂM?

Hiện nay, có nhiều loại axít mạnh như H2SO4, HCl, HNO3… Trong đó, loại axít dùng để gây tội ác thường là H2SO4 đậm đặc trên 95%. Loại này có tính siêu háo nước. Khi tiếp xúc với da, axít sẽ lập tức hút nước từ cơ thể, tỏa nhiều nhiệt khiến lớp da thịt bị bỏng nặng.

Khi tác động lên cơ thể người, axít phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ… theo cơ chế đông vón protein của cơ thể gây hoại tử từ ngoài vào trong. Phần da tiếp xúc với axít sẽ chết, chuyển sang màu đen và để lại những vết sẹo khủng khiếp.

Nếu không được sơ cứu kịp thời, axít sẽ tiếp tục làm cháy da, tổn thương xương và các bộ phận khác trong cơ thể. Nếu phần da chết không được cắt bỏ trong 4 – 5 ngày, da mới mọc lên sẽ làm bề mặt biến dạng hơn nữa.

Không chỉ tác động lên da, axít còn khiến nạn nhân gặp khó khăn trong hô hấp vì họ đã hít phải hơi axít. Hơi này tạo ra những phản ứng độc hại và có thể làm tổn thương phổi. Nếu không được chữa trị cẩn thận, nạn nhân có thể sẽ tử vong vì nhiễm trùng.

Vì vậy, nạn nhân của axít sẽ phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo lại da và phải áp dụng vật lý trị liệu để đảm bảo những vùng da bị hủy hoại không làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể.

Điều nguy hiểm là chỉ mất 5 giây, axít sẽ gây nên những vết bỏng đáng sợ và chỉ sau 30 giây, axít sẽ phát huy hoàn toàn độc tính của nó.

SƠ CẤP CỨU CHO NẠN NHÂN BỊ TẠT AXÍT 

Khi gặp một nạn nhân bị tạt axít, bạn hãy nhanh chóng tiến hành sơ cấp cứu nhanh nhất có thể để giúp nạn nhân giảm mức độ tổn thương bằng cách:

– Xịt nước ấm vào khu vực tiếp xúc với axít trong ít nhất là 20 – 30 phút.

– Nếu vùng tiếp xúc với axít là mắt, cố gắng giữ cho mắt mở trong lúc xịt nước để rửa sạch hoàn toàn axít.

– Gọi xe cấp cứu và tiếp tục xịt nước cho đến khi xe cấp cứu đến.

– Trong khi xịt nước, gỡ bỏ quần áo, giày, trang sức… bị dính axít đang tiếp xúc với da và giữ lại chúng để làm bằng chứng.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM KHI SƠ CỨU

– Không cố gắng cởi phần quần áo dính với vết bỏng vì có thể khiến nạn nhân đau đớn hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

– Không ngâm vết thương trong nước, đá chườm lên vết thương vì có thể làm tổn thương da.

– Không sử dụng bơ, dầu, kem đánh răng bôi lên vết bỏng vì chúng sẽ dính vào vết thương và gây đau đớn hơn cho nạn nhân.

Bài: Vi Cao

Tiếp Thị Gia Đình 

Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây

Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.

Đừng bỏ qua