Giai đoạn 5 – 6 tuổi, trẻ đối diện những cảm xúc khi nhận thức về bản thân, có thể là ngại ngùng, kém tự tin và bé hay xấu hổ. Eleonora Villegas-Reimers, tiến sỹ giáo dục tiểu học tại Trường Wheelock, Boston, Mỹ, cho biết: “Ở độ tuổi này, trẻ tập trung vào việc phải hòa nhập, nhìn vào bạn bè và dễ có cảm giác khó xử nếu thấy khác biệt”.
Trẻ vào lớp một phải tuân theo kỷ luật và trách nhiệm mới. Một số trẻ sẽ rất xấu hổ nếu phạm lỗi. Cảm giác xấu hổ có thể là một dấu hiệu tích cực cho thấy trẻ có sự phát triển các tiêu chuẩn của cá nhân. Song, trẻ xấu hổ cần phải vượt qua cảm giác này để trưởng thành hơn. Bằng thái độ của chính bạn và cách bạn hỗ trợ con vượt qua xấu hổ, trẻ sẽ hiểu rằng: “Cảm giác xấu hổ không dễ chịu nhưng có cách để vượt qua nó”. Mời bạn tham khảo các trường hợp sau đây.
BẠN THẤY CON KỲ CỤC
♦ Vấn đề: Trước đây, bé chỉ mặc chiếc quần lót và chạy khắp nơi thì nay bé đòi sự riêng tư, không muốn mẹ kể chuyện mình cho người khác rồi cười, bé hay xấu hổ khi ợ hơi.
♦ Nguyên do: Trẻ đã biết phân biệt trai, gái có những bộ phận khác nhau và còn để ý xem ai cao, béo, mũi to, mắt nhỏ. Điều này rất bình thường. Song trẻ có thể tự ti khi thấy mình khác biệt như béo, mang mắt kính hoặc mũi quá to.
♦ Giải pháp: Bạn nói với con mỗi người đều đặc biệt và kể con nghe những chuyện nói về điều này. Bạn cũng thể hiện tình yêu với con cho dù con có như thế nào. Ngoài ra, bạn cần đối xử tôn trọng người khác dù họ có đặc điểm đặc biệt. Cho phép con có sự riêng tư như đóng cửa khi thay đồ, bảo vệ con khi ai đó trêu chọc thái quá. Dạy con nói “xin lỗi” khi ợ hơi và coi đó là chuyện bình thường vì ai cũng có lúc như thế.
CON KHÔNG THÍCH NGƯỜI LẠ
♦ Vấn đề: Khi bạn giới thiệu con trẻ với đồng nghiệp, con bạn dán mắt xuống sàn, trốn sau lưng bạn, lí nha lí nhí.
♦ Nguyên do: Nhiều trẻ khó chịu khi thành trung tâm của sự chú ý, bởi bé không biết cần làm gì hay nói gì. Trẻ cũng lo lắng mình sẽ làm sai điều người lớn trông chờ.
♦ Giải pháp: Bạn đừng la mắng, chê bai con. Nếu đó là một cuộc hẹn trước, bạn hãy cho con biết là lát nữa mẹ con bạn sẽ gặp ai và họ rất mong được gặp bé. Bạn có thể bàn với con về việc con sẽ làm gì và nói gì.
CON QUÁ VỤNG VỀ
♦ Vấn đề: Bé hay xấu hổ vì trượt chân và làm đổ đồ tung tóe trong sân trường hoặc đá bóng vào lưới đội nhà. Khi gặp những vấn đề như vậy, con sẽ muốn trốn tất cả mọi người.
♦ Nguyên do: Việc phạm sai lầm trước những bạn cùng lứa gây tổn thương lớn cho một đứa trẻ 5 – 6 tuổi bởi vì chúng đang muốn chứng tỏ bản thân và đang cố có nhiều bạn mới. Trẻ cho rằng những đứa trẻ đã cười mình sẽ không muốn chơi với mình nữa.
♦ Giải pháp: Nói với con rằng ai đó cười mình là bình thường, mọi chuyện rồi sẽ qua. Có thể con vẫn khóc, tức giận, bạn hãy đùa: “Giờ con làm thế mới là chuyện lớn đây”.
THUA KÉM BẠN BÈ
♦ Vấn đề: Nếu bạn cùng lớp biết lộn nhào, con phải thử? Bạn hàng xóm có đôi giày patin, con cũng muốn có bằng được.
♦ Nguyên do: Nếu bạn cùng lứa biết làm điều gì hoặc sở hữu vật gì mà trẻ không thể làm hoặc không có, đó là vấn đề lớn với bé. Trẻ đang so sánh mình với người khác. Chúng thấy mình thua kém nếu không được như bạn bè.
♦ Giải pháp: Giải thích mỗi người có tài năng khác nhau, nhắc con điều con làm tốt, nhấn mạnh điều con có và dạy con cách khắc phục yếu điểm.
Bài: Phan Lê Minh
Mục Mẹ & con / Tiếp Thị Gia Đình