Anh nghĩ em nên vứt bỏ hết quá khứ và bắt đầu đặt niềm tin vào anh.
– Nhưng…
Đây là lần thứ n Lâm nói với cô những lời nửa như ra lệnh, nửa như van nài ấy và cũng là lần thứ n cô đáp lại anh bằng chữ “Nhưng…”. Cô biết Lâm yêu mình và giống như cô, anh khao khát có một mái ấm gia đình sau lần đầu đổ vỡ. Cô cũng yêu và tin tưởng Lâm. Chỉ có điều, cô còn yêu cả Bin, đứa con trai bé bỏng chưa tròn ba tuổi của mình. Cô chẳng thể nào rời xa con lúc này.
Ngày Phiên rời xa mẹ con cô, cu Bin chưa đầy bốn tháng tuổi. Cô vẫn còn trong thời kỳ ở cữ. Phiên đưa đơn, nài nỉ cô thuận tình ly hôn chỉ bởi lý do duy nhất: cô không chịu từ bỏ nghiệp báo chí để toàn tâm toàn ý làm người phụ nữ nội trợ. Nghề báo đã chảy trong huyết quản từ khi cô còn ngồi trên ghế nhà trường, ăn sâu vào máu thịt đến mức cô đề ra “tuyên ngôn” cho bản thân: “Thà bỏ chồng chứ không bỏ nghề”.
Cô không ngờ sau gần mười năm theo nghiệp viết lách lại phải đối mặt với sự lựa chọn: nghề nghiệp hay gia đình. Và cô đã sống theo tuyên ngôn mình đặt ra. Với cô, giải thoát cho người đàn ông ích kỷ, chỉ coi trọng sự nghiệp của mình là điều đúng đắn.
Suốt hai năm sau đó, bằng bản lĩnh và nghị lực của một người mẹ, cô kiên cường bước đi trên đôi chân mình. Cô dồn hết tình thương cho cu Bin, coi con là nguồn sống duy nhất. Cô chẳng mảy may quan tâm đến những người đàn ông xung quanh hay suy nghĩ sẽ đi bước nữa, cho đến ngày Lâm xuất hiện.
Cuộc gặp gỡ giữa cô và Lâm đến tình cờ, nhẹ tựa gió thoảng. Cô đứng trú mưa ở mái hiên ven đường, Lâm tấp vào chỉ sau cô một tích tắc. Câu chuyện vu vơ vào buổi chiều mưa dần đi đến sự thấu hiểu, đồng cảm và cô lưu tên “Lâm” vào danh bạ điện thoại của mình từ ngày đó.
Lâm chia tay vợ cũ đã hai năm nay. Cô hơi bất ngờ trước lý do anh đưa ra: “Anh không muốn vợ chồng ràng buộc nhau bởi những đứa trẻ. Với anh, chỉ cần hai tâm hồn đồng điệu, hai trái tim hoàn toàn thuộc về nhau là đủ để xây một gia đình hạnh phúc”.
– Trước khi kết hôn, anh và cô ấy không thống nhất với nhau sao? – Cô thắc mắc.
– Dĩ nhiên là anh đưa ra yêu cầu gần như bắt buộc ấy. Thế nhưng, cô ấy chỉ vờ đồng ý lúc đó. Cô ấy nghĩ thời gian sẽ khiến anh thay đổi quan niệm, cô ấy sẽ dần thuyết phục được anh.
Cô nghe anh kể mà đắng lòng. Trong Lâm tồn tại suy nghĩ lạ lùng như vậy, vợ cũ anh đã không chịu nổi cảnh ngôi nhà quạnh quẽ mà dứt áo ra đi. Tài hùng biện của cô giỏi cỡ nào mà hy vọng thay đổi anh ấy? Cô không yêu cầu Lâm phải thương cu Bin như con ruột, nhưng từ ngày Bin không còn bố, cô đã tự nhủ: “Ai muốn đến với tôi, phải yêu con tôi trước”.
Đúng như cô dự đoán, Lâm bình thản đón nhận tin cô có một bé trai ba tuổi. Anh nói:
– Vậy thì tốt rồi. Em đã có đứa bé do mình sinh ra, không còn lo khi lấy anh sẽ không được làm mẹ. Nhưng em biết rồi đấy, anh không muốn trong nhà mình có người thứ ba ngoài hai vợ chồng. Vì vậy, em có thể gửi cu Bin cho ông bà ngoại. Thỉnh thoảng anh sẽ đưa em về thăm con.
Cô tái mặt, chết đứng. Lời đề nghị của Lâm nhẹ nhàng, không cảm xúc nhưng đặt vào cô hòn đá nặng nghìn cân. Nếu đồng ý, chẳng khác nào cô bỏ con để đi tìm hạnh phúc. Mà liệu khi ấy, cô có thực sự hạnh phúc không? Cô sẽ được gì trong cuộc hôn nhân với Lâm: tiền tài, địa vị hay chỉ là chút hãnh diện của người đàn bà nạ dòng may mắn được lên xe hoa lần nữa?
Hôm nay cô đi làm về sớm. Cô tạt vào nhà sách, mua cho cu Bin con khủng long cổ dài mà nó mơ ước từ lâu. Cô gọi điện cho bà ngoại, nói sẽ đón cu Bin rồi hai mẹ con ra ngoài ăn tối.
Cu Bin ngạc nhiên khi thấy mẹ đứng ngoài cửa lớp. Nó sà vào lòng mẹ. Cô ôm con thật chặt, hôn hít khắp mặt nó như để nhắc nhớ mùi cơ thể con. Cu Bin reo lên vui sướng khi cô rút trong túi ra con khủng long cổ dài. Cô mỉm cười:
– Tối nay mình ăn ở ngoài. Mẹ sẽ dẫn Bin ra công viên chơi rồi ăn ở cạnh đó nha.
Bin thích lắm. Dường như cu cậu chưa từng vui như vậy. Cô lặng lẽ ngắm con chơi đùa từ xa, không biết nước mắt tuôn rơi tự bao giờ. Khoảnh khắc này, giây phút này sẽ mãi ghim chặt trong trái tim cô, dù cuộc sống có đổi thay thế nào chăng nữa.
Phải đến tối mịt hai mẹ con mới về nhà. Hôn nhẹ lên trán con trước khi nó chìm vào giấc ngủ, cô ra phòng khách, nói với bố mẹ bằng giọng trầm buồn:
– Ba mẹ à, con đã quyết định rồi. Con sẽ theo anh Lâm sang Mỹ. Con chỉ băn khoăn một điều là cu Bin. Anh Lâm có vẻ không thích trẻ con, cho nên con không thể mang cu Bin theo được. Con nhờ ba mẹ chăm sóc nó giúp con. Tuy không thể nói lúc nào nhưng con hứa, khi nào có điều kiện, con sẽ đón cu Bin sang đoàn tụ với con.
Bố mẹ cô không bất ngờ trước quyết định của con gái, chỉ là không ngờ nó đến nhanh thế này. Cô từng coi cu Bin là sinh mạng, là máu thịt, là lẽ sống của mình, vậy mà bây giờ lại nỡ rời xa con để đi theo một người đàn ông, liệu có đáng không?
Trước ngày đi một tháng, cô hoàn tất thủ tục nghỉ việc ở tòa soạn để dành trọn vẹn cho gia đình. Cô ở bên cu Bin cả ngày, chiều chuộng con hết mực, đáp ứng mọi đòi hỏi của nó. Cô tin một ngày không xa, hai mẹ con lại có những khoảnh khắc bên nhau như thế này.
Trước ngày cô đi một tuần, cu Bin sốt cao và lên cơn co giật. Nước mắt ngắn dài, cô ôm con đến bệnh viện ngay trong đêm và gần như ngã quỵ khi bác sỹ thông báo Bin bị sốt xuất huyết. Chưa bao giờ cô cầu mong thời gian trôi chậm như thế. Cứ mỗi khi bình minh lên, cô lại tiếc rẻ: “Chỉ còn… ngày ở cùng con nữa thôi”.
Bệnh tình cu Bin chuyển biến xấu so với tiên liệu của bác sỹ. Cô cuống quýt, ngồi cạnh giường con hàng giờ, xót xa nhìn con thiêm thiếp ngủ, chỉ sợ nếu buông tay, cu Bin sẽ rời xa mình mãi mãi.
Người đàn bà giường bên nhìn cô:
– Nhìn cô, tôi như thấy hình ảnh của mình hơn mười năm trước. Đứa con gái bé bỏng đã bỏ tôi đi sau một tuần nằm viện. Tôi cũng từng ngồi như cô, lặng lẽ níu giữ từng hơi thở của con, nhưng đành bất lực nhìn con dần tuột khỏi vòng tay mình.
Và bà khóc. Nhìn những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi, cô như bừng tỉnh. Có phải ông Trời đã đưa bà ấy đến để cho cô thấy hình ảnh của chính mình trong tương lai, khi bên cạnh cô không còn cu Bin nữa? Nỗi ân hận xâm chiếm cô, cảm giác tội lỗi giày vò, cô khóc nức nở: “Bin ơi! Mẹ sẽ không xa con nữa. Đừng bỏ mẹ nha con”.
Anh như gào lên trong điện thoại khi nghe cô nói về quyết định của mình. Cô lẳng lặng cúp máy. Mối quan tâm duy nhất hiện giờ của cô chỉ là cu Bin. Chỉ khi nào con trai mở mắt gọi mẹ, cô mới an lòng.
Lâm phóng như bay đến bệnh viện. Anh muốn hỏi cho ra ngọn ngành. Anh muốn biết vì sao cô quay ngoắt thái độ chỉ vì một trận ốm vặt vãnh của con.
Đây rồi! Cô đang ngồi bên giường bệnh, đút từng thìa cháo cho con. Chắc cu Bin vừa dậy, gương mặt vẫn còn rõ vẻ mệt mỏi, kiệt sức. Anh định bước vào phòng thì khựng lại khi nghe cu Bin hỏi:
– Bà ngoại nói mẹ sắp đi làm xa rồi, mai mốt mẹ không ngủ với Bin nữa phải không mẹ?
– Không phải đâu. Mẹ không đi đâu hết. Mẹ ở nhà với Bin. Khi nào Bin khỏi ốm, mẹ sẽ dẫn Bin đi chơi, mua cho Bin cả bộ khủng long nữa.
Anh thấy cu Bin khẽ cười, mấp máy môi nhưng không nói được, chắc cậu bé còn yếu. Những ngón tay nhỏ xíu nắm chặt tay cô, tay kia giơ lên như muốn quàng qua ôm mẹ. Cô nhẹ nhàng cúi xuống ôm con vỗ về.
Cảnh tượng này, phải rồi, anh đã nhìn thấy cảnh tượng này ở đâu đó rồi mà không tài nào nhớ nổi. Trong giấc mơ, đúng vậy, anh khao khát có một đứa con để chăm sóc, dạy dỗ biết bao. Anh đã chôn chặt khát khao ấy trong lòng, rồi dựng lên một tượng đài “không sống chung với trẻ con”. Có ai biết anh đã vĩnh viễn mất đi thiên chức làm cha sau tai nạn xe hồi nhỏ. Mơ ước dựng xây mái ấm gia đình đúng nghĩa chỉ còn là giấc mơ.
Anh choàng tỉnh. Cu Bin đã kéo anh ra khỏi vỏ bọc của chính mình. Anh không thể ích kỷ, bắt người khác sống vì mình mãi. Cô yêu anh thật lòng, sẵn sàng làm mọi thứ vì anh, vậy thì cớ gì anh không thể đón nhận cô một cách trọn vẹn? Cu Bin cần bàn tay anh dìu dắt và nâng đỡ biết bao.
Anh khẽ bước vào, vòng tay ôm hai mẹ con. Cô ngước nhìn anh, sửng sốt. Anh chạm tay lên môi cô, thầm bảo:
– Em đừng nói gì cả. Từ giây phút này, anh biết cuộc đời anh không thể thiếu hai mẹ con em.
THIÊN LAM
Mục Truyện ngắn / Tiếp Thị Gia Đình