Cô nàng phóng viên đỏng đảnh Andie Anderson đã khiến anh chàng bảnh bao Benjamin Berry trong phim Yêu em không quá 10 ngày (How to Lose a Guy in 10 Days) cáu tiết vì trêu chọc anh ta cùng đám bạn thân. Andie đã xen ngang cuộc vui khi Ben và các chiến hữu tụ tập ăn nhậu với các trò phá đám, giận dỗi và khóc lóc om xòm.
Lần đầu tiên sau mấy ngày hẹn hò, Ben to tiếng cãi nhau với Andie. Nếu bạn cũng muốn mau chóng kết thúc mối quan hệ hiện tại, bạn có thể học hỏi Andie chiêu thức này. Còn nếu không, bạn cần thay đổi cách cư xử với bạn bè của người yêu để họ không có cơ hội trở thành lý do khiến cả hai xung đột nữa.
Chuyên gia về hẹn hò, tiến sỹ Christie Hartman (Mỹ) cho rằng: “Khi đã xác định có mối quan hệ nghiêm túc, bạn nên chấp chận cả bạn bè của người yêu”. Dù vậy, bạn vẫn luôn có nhiều lý do để cảm thấy khó chịu mỗi khi chàng gặp gỡ các chiến hữu.
• “Họ không thích tôi”: Tiến sỹ Hartman khuyên bạn đừng nên né tránh gặp gỡ bạn bè người yêu chỉ vì cảm giác “không thoải mái” này. Hãy xem người yêu như một cầu nối để gần gũi với họ hơn. Khi tiếp xúc thường xuyên, có thể bạn sẽ nhận ra họ là những người khá dễ mến đấy.
• “Họ chỉ gây ảnh hưởng xấu”: Anh bị rủ rê đến những quán karaoke ôm. Và thế là bạn phát điên lên, đổ hết mọi lỗi lầm lên bạn bè anh. Cách cư xử với bạn bè của người yêu như thế rất dễ gây ra xung đột gay gắt. Vì thế, hãy kiên nhẫn khuyên giải anh thay vì tạo áp lực bắt anh phải cách ly hội chiến hữu.
• “Họ là những kẻ ngốc”: Khi bạn xúc phạm bạn bè của người yêu cũng có nghĩa là đã xúc phạm đến chính bản thân anh. Chúng ta có xu hướng lựa chọn bạn bè có những giá trị tương đồng hoặc khiến mình ngưỡng mộ. Mọi đánh giá tiêu cực về bạn bè của người yêu sẽ rất dễ khiến anh hiểu nhầm là bạn đang xúc phạm cái tôi của anh. Thế nên, bạn hãy tìm hiểu vì sao anh ấy lại thích chơi với họ thay vì phán xét một cách chủ quan nhé.
• “Họ chẳng quan tâm đến tôi”: Bạn cần chia sẻ với người yêu để anh giúp bạn gần gũi với bạn anh hơn. Sẽ thật tuyệt vời nếu như anh ấy là một người tinh ý biết cách thu xếp và tạo sự kết nối giữa bạn và các chiến hữu. Còn nếu không, bạn có thể tự tạo cơ hội tìm hiểu nhau bằng các cuộc họp mặt tại nhà nhân dịp nghỉ lễ hay sinh nhật anh chẳng hạn.
• “Họ toàn nói chuyện quá khứ”: Bất cứ mối quan hệ nào cũng cần phải có thời gian để hình thành và phát triển. Chuyện bạn bè hay nhắc lại những kỷ niệm thời xưa cũ cũng là điều rất đáng quý đó chứ (dĩ nhiên, ngoại trừ việc nhắc đến cô nàng mối tình đầu của anh!). Hãy thử thay đổi sang những đề tài mà ai cũng có thể góp chuyện được như công việc hiện tại, tin tức thời sự hôm nay, hay bàn tính về một chuyến đi chơi xa sắp tới…
• “Họ luôn luôn… dễ ghét”: Đừng vội kết luận họ là “kẻ phá hoại” mối quan hệ của cả hai, suy cho cùng, chẳng phải cả bạn và họ đều dành sự quan tâm đặc biệt cho anh ấy đó sao? Tiến sỹ Hartman gợi ý, bạn nên tiếp tục duy trì thái độ thân thiện ngay cả khi không gặp gỡ bạn bè của người yêu. Chỉ cần một lời nhắn gửi hỏi thăm các chiến hữu cũng đủ khiến anh thấy hài lòng rồi. Bạn không nhất thiết phải tỏ vẻ hoàn hảo khi cư xử với bạn bè của người yêu, nhưng nên tỏ thái độ tôn trọng với họ. Chưa kể, các chiến hữu sẽ ghen tỵ khi thấy anh có một cô bạn gái thân thiện như thế đấy!
Phỏng vấn nhanh
Du Lưu: Tôi cảm thấy hơi buồn và sẽ tìm hiểu tại sao cô ấy không thích bạn bè của tôi. Tôi muốn giải thích cho cô ấy biết họ cũng dễ mến chứ không như cô ấy nghĩ. Nếu cô ấy vẫn còn khó chịu thì có lẽ tôi không nên để họ gặp gỡ nhau nữa.
Thùy An: Nếu không thích bạn bè của người yêu thì tôi cứ nói thẳng, còn chơi hay không là quyết định của anh. Chúng tôi đã từng xung đột vì một người bạn không tốt trong nhóm. Sau này anh cũng nhận ra bộ mặt thật của người ấy.
Mục Tình yêu / Tiếp Thị Gia Đình