Truyện ngắn: Ngõ hẹp

Ông cặm cụi vun đắp cho mái ấm nhỏ. Làm được bao nhiêu tiền, ông cũng đều đưa cho bà giữ mà không mảy may nghi ngờ, cho đến một ngày... Truyện ngắn N. T. NGA

Ông An ngồi tựa cửa, rít thuốc, nhớ lại câu nói của cậu con trai, mũi nghèn nghẹt như bị cảm. “Ba! Con về ngoài Trung với vợ”. Cuối cùng thằng con trai duy nhất cũng bỏ ông mà đi. Ông An ngó ra dãy phòng trọ sâu hút, vắng lặng, cảm giác như mình đang bị bỏ lại trong hang sâu tăm tối. Những ký ức đau buồn ngày xưa nối đuôi nhau trở lại, ông ngửa mặt lên trần nhà, chớp chớp mắt, cố ngăn những giọt nước mắt sắp tuôn ra.

Hơn mười năm trước, trong con hẻm nhỏ đông đúc, lụp xụp những căn nhà ổ chuột thấp lè tè, ông từng có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Ngày ấy, ông đi ve chai, vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc, đưa đón cậu con trai đi học. Nhìn vào gia đình ông, không ít người ngưỡng mộ. Dù cảnh nghèo khó, ở nhà thuê nhưng tổ ấm nhỏ của ông luôn rộn tiếng cười. Vợ ông ngoài ba mươi tuổi, nước da trắng ngà, nhan sắc mặn mà. Nhiều người còn nhỏ to khuyên ông: “Để vợ đẹp ở nhà, cẩn thận kẻo có ngày mất nghe!”. Ông An chỉ cười trừ. Ông không bao giờ kiểm soát vợ hay giở trò ghen tuông bóng gió. Ông tin tưởng tình yêu của mình như một chiếc khóa chắc chắn giữ chặt trái tim vợ.

Một chiều cuối năm, ông dừng xe ve chai trước nhà, thấy vợ ngồi khóc sụt sùi trong phòng. “Có chuyện gì vậy em?”. Ông An cuống quýt hỏi. “Ba em bị tai biến, mới nhập viện”, vợ ông nghẹn ngào. Từ hôm ấy, ông lãnh luôn phần lo cho cậu Ngõ hẹpcon trai để vợ ở lại bệnh viện chăm sóc ba. Khi ba vợ qua đời được hơn tháng cũng là lúc ông thấy vợ có những biểu hiện khác thường. Chị trầm lặng hơn, thường ngồi tha thẩn trước nhà, không vui, không buồn, không cảm xúc. Chị cũng không mặn mà chuyện chăn gối và không buồn nhìn đến mặt chồng con.

Mờ sáng, khi ông đẩy xe ve chai ra cổng, vợ níu tay áo ông lại, chưa nói lời nào, nước mắt đã rơi: “Em có thai rồi”. Ông An nghệch mặt ra, nhìn vợ vài giây mới định thần lại, giọng run run: “Mấy tháng? Em có thai mấy tháng?”. Chị vợ đưa hai ngón tay lên, đôi mắt ướt đẫm nước. Hơn bốn tháng, kể từ ngày vợ vào bệnh viện chăm ba, ông không đụng đến vợ, lẽ nào giờ về nhà mới hơn một tháng, vợ đã có thai đến hai tháng? Hai môi ông mấp máy, mặt đỏ rần, hơi nóng tỏa ra hai hốc mắt cay xè: “Sao em làm vậy? Tại sao? Tôi làm gì có lỗi với em? Sao em lại trừng phạt tôi?”. Ông ngã xuống xe ve chai, người tím tái. Chị vợ gào hét, nhờ mọi người đưa ông đi cấp cứu.

Khi ông từ bệnh viện trở về, ngôi nhà nhỏ vắng ngắt vắng ngơ, cậu con trai sau nhiều giờ khóc lóc, nằm lả dưới sàn nhà. Ông đỡ thằng bé dậy, đặt lên giường, vỗ về. Thằng nhỏ ôm ghì lấy ông, khóc thét, luôn miệng gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Nhìn vào mắc đồ thưa rỉnh, ông biết vợ đã bỏ đi. Từ ấy, chiều nào ông cũng ngồi trước nhà tu rượu và chửi đổng. Chửi chán, ông gục mặt khóc như một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi.

Sau những cơn say dài bất tận, ông tỉnh giấc vào một sáng mùa hè, trời nắng như đổ lửa. Trong khi cúi người khuân cái mô-tơ nước lên xe ve chai, một người đàn bà trạc tuổi 40, gương mặt khắc khổ, hai má còn vương những vết bầm tím, rụt rè hỏi thăm ông: “Anh biết chỗ nào cho thuê nhà trọ không?”. Chị ta khóc thút thít, kể lể hoàn cảnh. Chồng chị nghiện rượu, ngày nào cũng đánh đập, chị phải chạy trốn, bỏ lại đứa con nhỏ ở quê cho mẹ già nuôi. Những giọt nước mắt rơi lã chã trên gương mặt người đàn bà từng trải khiến ông động lòng. Chợt ông nghĩ con trai đã lớn nay mai sẽ lấy vợ, sống côi cút một mình cũng buồn, ông từng nghĩ đến việc tìm bạn đời, nhưng những vết thương ngày cũ khiến ông nhức nhối. Khi ông còn mải suy nghĩ, người đàn bà đã đi khuất, ông vội đạp xe ve chai đuổi theo.

Tối hôm ấy, cả xóm ổ chuột ngạc nhiên khi sau xe ve chai của ông đèo theo một người đàn bà. Bao lâu nay, ông ngập ngụa trong hơi men, cho đến khi có bà xuất hiện, ông mới tỉnh rượu.

truyen ngan ngo hep hinh anh 02

Ông ôm đứa cháu nhỏ vào lòng. Ông cũng phải mạnh mẽ đứng lên vì ông vẫn còn con và cháu

Biết cha dẫn người đàn bà lạ về nhà, cậu con trai nổi giận đùng đùng, chẳng cần nghe ông giải thích lời nào, nó gom đồ, đi khỏi nhà. Hơn ba tháng ròng rã đi tìm con, cuối cùng ông cũng nhận được tin nó làm công nhân giày da ở một xưởng cách nhà hơn chục cây số. Nó bảo đã có người yêu, dự định cuối năm cưới. Không thấy con trách móc hay đòi đuổi người đàn bà ra khỏi nhà, ông thở phào yên tâm.

Những ngày trời nóng hầm hập, ông một mình rong ruổi xe ve chai dọc hang cùng ngõ hẻm lại thấy thương bà ở nhà trong căn phòng trọ ván thưng chật chội, mái tôn thấp lè tè. Mua được cái quạt nào mới, ông cố ý giữ lại cho vợ. Có cái nồi cơm điện nào dùng được, ông đều sửa lại cho vợ nấu cơm. Tình yêu của ông dành cho người vợ sau nhẹ nhàng nhưng ấm áp. Từ khi về ở với ông, ăn uống nghỉ ngơi điều độ, da dẻ bà trơn tru, không trẻ trung nhưng nhìn cũng xinh tươi hẳn ra.

Một lần, ông ngồi uống rượu với người em bà con, cậu em tò mò hỏi: “Ê! Tui hỏi thiệt, ông để bả ở nhà vậy ông có lo không?”. Ông cười méo mó, nuốt hớp rượu mà nghe cay rát cuống họng. Quá khứ như con bạch tuộc, mỗi khi ai nhắc tới nó lại thò cái vòi dài ngoẵng ra, bóp nghẹt trái tim ông, bưng kín hai mắt ông lại.

Khi ngả lưng xuống giường, ông quay sang nhìn vợ, gương mặt bà sáng loáng trong ánh đèn ngủ vàng khè. Ông hỏi nhỏ: “Bà có bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ tui không?”. Bà xô ông ra, hơi nhăn nhó: “Miệng ông mùi rượu không? Nói năng xằng bậy quá! Ngủ đi”. Bà quay mặt vào tường ngủ ngon lành. Ông nhìn dáng vợ từ phía sau, tự dưng thấy lo lắng bồn chồn, cảm giác như một ngày nào đó, ngay cái giường ngủ này sẽ chỉ còn lại một khoảng trống. Ông làm được bao nhiêu tiền đều chắt bóp đem về cho bà cất. Những khi con trai điện vào xin ít tiền sữa cho cháu, ông cũng không dám giấu vợ gửi. Ông cứ thật thà xin lại tiền bà để gửi con. Nhiều khi bà càu nhàu, trách móc, nặng nhẹ, ông chỉ biết nín nhịn để vợ chồng ấm êm.

Ông cứ cặm cụi một mình vun đắp cho cái lâu đài tình ái ấy cao mãi mà không quan tâm người đàn bà của ông có cùng chung sức đấu cật với ông không. Một tối trời mưa trắng đường, ông đẩy xe ve chai về nhà, thấy căn phòng trống trơn. Ông run run mở tủ quần áo, góc tủ chỉ còn trơ lại những chiếc móc áo khẳng khiu. Ông cuống cuồng bấm điện thoại nhưng số điện thoại đang ngoài vùng phủ sóng. Ông gục mặt xuống nhà, khóc tức tưởi. Trời ơi! Bao nhiêu năm làm lụng, đưa hết tiền cho bà giữ giờ bà ra đi, ông là kẻ tay trắng. Nhớ lại buổi tối ngồi nhậu với người em trai, gã cảnh báo: “Anh cứ giao hết tiền cho bả mà không biết nhà cửa bả ở đâu. Lỡ bả đi mất là anh tiêu”. Ông vuốt những giọt nước mắt phủ đầy trên má, cảm giác như xung quanh không còn chút không khí. Ông không tiếc tiền, chỉ tiếc bao tình cảm đổ ra. Ông nhìn căn phòng quạnh quẽ, nhìn đôi gối xô lệch một bên, nhìn căn bếp tắt lửa, bám bụi, từ nay ông sẽ phải sống một mình cô độc, làm bạn với rượu và mớ sắt vụn mua về. Những ngày sau, cả khu trọ lại thấy một người đàn ông đen nhẻm, vừa đi, vừa hát, bên hông dắt theo chai rượu. Những đêm nằm nghe mưa va đập vào mái tôn, ông hay đưa tay vuốt mắt, cố ngăn những cơn uất nghẹn. Ông nghĩ đến hai người đàn bà mà ông từng yêu thương hết mực đã phản bội ông bất ngờ và đau đớn. Họ không cho ông một lời giải thích, một dấu hiệu dự báo nào trước.

Ba! Vợ chồng con ly dị rồi. Một ngày khi ông đang nằm tu chai rượu thì cậu con trai gọi điện cho ông, giọng lạc hẳn đi.

– Sao lại ly dị?

Như một mũi dao nhọn xuyên thẳng vào tai, ông tỉnh cơn say, cuống quýt hỏi lại. Bên kia im lặng đến não nề. Hai ngày sau, anh con trai ẵm đứa con về gặp ông: “Con thật vô dụng, làm không đủ tiền nuôi vợ con. Cô ấy không chịu nổi cảnh khổ nên bỏ đi rồi”. Nhìn con và cháu, ông bật khóc. Ông phải mạnh mẽ đứng dậy, làm bờ vai vững chắc cho con cháu nương tựa. Hai con người, hai số phận đang chờ ông vá víu cuộc đời.

Ông vứt chai rượu vào thùng rác, đẩy xe ve chai lọc tọc ra đường. Những khi mệt mỏi, ông lại nhớ đến đôi mắt trong vắt của thằng cháu. Ông không còn dằn vặt mình vì sự ra đi liên tiếp của hai người đàn bà bội bạc. Ông không làm gì sai, đơn giản chỉ là ông chọn người bạn đời không phù hợp. Người ta sẽ bớt đau đớn hơn khi dùng chính tình yêu thương của mình để xoa dịu vết thương lòng mình.

N. T. NGA

Mục Truyện ngắn / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua