Khi phụ nữ làm trụ cột gia đình, đàn ông nghĩ gì?

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là câu nói quen thuộc về phân công vai trò chồng, vợ. Nhưng cuộc sống hiện đại làm vai trò thay đổi và chuyện phụ nữ làm trụ cột gia đình là điều không còn hiếm thấy

Mấy chục năm trước, từ điển tiếng Anh chỉ có từ housewife (bà nội trợ) nhưng từ lúc nào đã bổ sung thêm từ househusband (ông nội trợ). Người phụ nữ làm trụ cột gia đình đang trở thành xu hướng mới ở nhiều gia đình hiện đại. Có người vì giỏi “thao lược”, có người vì hoàn cảnh đưa đẩy, song liệu họ có xao lãng vai trò “xây tổ ấm”?

HOÀN CẢNH BẤT ĐẮC DĨ

Chị Hải Anh hiện là giảng viên một trường đại học tại TP. HCM. Buổi sáng chị nấu ăn sẵn cho chồng, đưa con đi học rồi tới giảng đường, sau đó đón con về. Tối đến, chị đi dạy thêm tiếng Anh. Tại sao chị phải một mình lo toan hết trong ngoài như vậy, chồng chị làm gì?

Chị cười hiền khi nói về hoàn cảnh của mình: “Vợ chồng tôi đều là giáo viên. Năm con trai lên 3 tuổi, anh đổ bệnh tim và sức khỏe xuống rất nhanh. Anh phải nghỉ dạy, việc nhà đơn giản như quét dọn, nấu ăn cũng không làm được, từ đó tôi lo toan mọi thứ.

Thật lòng, lúc đầu tôi mệt mỏi lắm, cứ hỏi tại sao mình khổ thế. Chồng tôi cũng bảo: “Đừng chạy chữa cho anh nữa, để anh chết đi, em đi tìm người đàn ông khác, sau này em và con mới có chỗ dựa”. Nhưng tôi là người lạc quan, tích cực. Tôi đã suy nghĩ, nhận định về hoàn cảnh của mình và thấy rằng chỉ còn cách đương đầu chứ không thể trốn tránh.

Đến giờ, con trai đã học đến lớp 10, chồng tôi cũng phụ được vài việc lặt vặt trong nhà và quan trọng là vẫn còn ở bên vợ con, làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ con tôi. Với tôi, đó là thành quả lớn”.

TIỀN CHỈ LÀ CÔNG CỤ

Với chị Thu Vân, Q. Tân Bình, TP. HCM, tiền là công cụ để nuôi hạnh phúc. Chị mở cửa hàng kinh doanh còn chồng làm giáo viên với đồng lương ít ỏi. Thế nên, khi mở rộng kinh doanh, chị chủ động bảo anh nghỉ việc, ở nhà phụ chị đưa đón con đi học và trông nom cửa hàng khi chị vắng nhà.

Chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình, chị bảo: “Lúc yêu nhau, tôi chỉ thấy anh ấy hiền lành, kỹ tính. Về với nhau rồi, tôi mới phát hiện anh có tính mê chơi hơn làm, sẵn sàng bỏ việc để đi chơi. Với tính cách ấy và đồng lương ít ỏi thì gia đình chỉ đủ sống qua ngày. Tôi lại muốn hai con có điều kiện học tập tốt nhất và vợ chồng tôi phải tích lũy được nhiều tiền để có thể thảnh thơi khi bước vào tuổi xế chiều. Đó là lý do tôi quyết định mở rộng kinh doanh”.

Giai đoạn trẻ, chị tập trung mọi sức lực vào việc bán buôn, giao cho chồng đưa đón con, đặt chuyện cơm nước vào tay người giúp việc. Đến thời điểm này, khi đã yên tâm với vốn liếng tạo dựng được, chị chủ trương kiếm tiền ít đi và tự tay nấu nướng cho chồng con để đảm bảo sức khỏe.

phu nu lam tru cot gia dinh hinh anh 1

Phụ nữ làm trụ cột gia đình phản ánh sự thay đổi tất yếu của thời đại năng động

Trả lời câu hỏi: “Là một phụ nữ làm trụ cột gia đình, gầy dựng cơ nghiệp như vậy, chị có tư tưởng lấn lướt chồng không?”, chị bảo: “Tôi vẫn hỏi ý kiến chồng trong các định hướng phát triển kinh doanh, vừa để anh thấy được vai trò của mình, vừa có thêm ý kiến khách quan. Những gì anh nói đúng, tôi lắng nghe. Còn những gì anh phản đối mà tôi thấy chắc ăn tôi sẽ vẫn làm theo ý mình. Anh nóng giận la lên, tôi chỉ im lặng, nhường nhịn vì có nói cũng chẳng giải quyết được việc gì. Tôi nghĩ như vậy không phải là lấn lướt mà là tinh thần quyết đoán cần phải có ở một người làm trụ cột gia đình”.

PHỤ NỮ LÀM TRỤ CỘT GIA ĐÌNH, NÊN KHÔNG?

Thạc sỹ Trần Thị Tâm Nhàn, giảng viên tâm lý Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhận định: “Phụ nữ làm trụ cột gia đình phản ánh sự thay đổi tất yếu của thời đại năng động. Tôi cổ súy tinh thần phụ nữ độc lập, làm việc bên ngoài mà vẫn chu toàn việc chăm sóc nhà cửa, dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc phụ nữ gánh vác mọi trách nhiệm gia đình thay cho đàn ông, vì những lý do sau:

Người trụ cột gia đình được hiểu là người không chỉ làm ra tiền mà còn là chỗ dựa về tinh thần cho gia đình. Vai trò này được chia sẻ cho cả vợ và chồng. Ví như cái nhà cần có nhiều cột trụ, nếu một cái cột mất đi thì tất yếu nhà sẽ nghiêng, lâu ngày dần sụp đổ. Mặt khác, cột bên trái không thể gánh đỡ phần bên phải ngôi nhà và ngược lại. Vì thế, vai trò trụ cột cần thiết ở cả hai vợ chồng tùy vào ưu thế của mỗi người. Trong hai cái cột này, sẽ có một cột chính và một cột phụ.

Nếu vai trò trụ cột chỉ đặt lên vai phụ nữ, người phụ nữ sẽ vất vả hơn nhiều so với đàn ông. Bởi lẽ, ngoài sức vóc không bằng đàn ông, người phụ nữ còn đảm đương chức năng thiên bẩm là mang thai, sinh nở và chăm sóc con cái. Theo quan niệm cũ, người chồng trụ cột sau giờ làm có thể ung dung ngồi xem ti-vi nhưng người vợ về đến nhà sẽ phải lao vào bếp nấu nướng, dọn dẹp và lo cho các con. Áp lực đè lên vai nặng nề mà càng nặng nề càng dễ căng thẳng, mệt mỏi, cáu gắt… Nếu không hiểu, người đàn ông sẽ cho rằng đó là thái độ xúc phạm, coi thường chồng.

Bản chất hạnh phúc gia đình là sự chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và hòa hợp về tính cách giữa vợ và chồng, chứ không phải do ai đứng vai trò làm trụ cột. Khi cuộc sống biến động, vai trò trụ cột chính có thể được hoán đổi. Bạn có sẵn sàng cho sự hoán đổi này không còn tùy vào sự nhận thức và cảm xúc của chính bạn. Nếu bạn cho việc gánh vác gia đình là bất hạnh, bạn sẽ có những cảm xúc tiêu cực, dễ nóng giận, cáu gắt, đổ lỗi cho chồng… Nếu bạn nghĩ đó là việc cần phải làm vì lý do nọ kia, bạn sẽ có hành động tích cực, phấn đấu vươn lên”.

Trường hợp bạn cảm thấy quá mệt mỏi và muốn kêu gọi chồng chung tay gánh vác thì nên làm thế nào? Chuyên gia Tâm Nhàn tư vấn: “Tính cách con người hình thành từ những thói quen trong lối suy nghĩ và hành động. Có thể bản chất chồng bạn là người có trách nhiệm nhưng do hoàn cảnh thuận lợi về kinh tế, vai trò của anh không còn được trọng dụng hoặc do thất chí mà trở nên buông xuôi, bạn nên tập lại thói quen cũ bằng sự khéo léo của người vợ.

Mỗi tháng, dù chồng chỉ làm ra 2–3 triệu đồng, bạn không nên chê số tiền ít ỏi. Hãy yêu cầu anh chi trả một phần chi phí cho gia đình như điện, nước, tiền học thêm của con… Điện nước, đồ dùng hư hỏng, bạn chớ gọi thợ ngay mà nên nhờ anh phát huy vai trò đàn ông… Chú ý cách nói, thái độ bàn bạc hay ghi nhận thành quả lao động tạo cho anh cảm giác sung sướng và tự hào”.

ĐÀN ÔNG NGHĨ GÌ KHI VỢ LÀM TRỤ CỘT?

phu nu lam tru cot gia dinh hinh anh 2

50% các quý ông thừa nhận họ phải “từ bỏ” bớt sự nam tính để làm tròn vai “ông bố bảo mẫu”

• 3/4 cánh mày râu trong một cuộc khảo sát ở Mỹ cho rằng, họ không quan trọng việc phải kiếm tiền nhiều hơn vợ. Họ không tự ti, cảm thấy kém cỏi mà còn hãnh diện về người vợ tài giỏi của mình.

• Cũng theo nghiên cứu trên, 45% nam giới sẵn lòng ở nhà trông nom nhà cửa, chăm sóc con cái nếu vợ kiếm được nhiều tiền hơn. Hiện tại, cứ 5 người đàn ông thì có 1 người đang là ông nội trợ và hạnh phúc với vai trò này. 42% nam giới cho biết họ phải làm việc nhà nhiều hơn các ông bố của mình và 69% vui vẻ với chuyện đi đổ rác mỗi ngày.

• Vào thập niên 1950, đàn ông gánh vai trò trụ cột gia đình là điều không thể tranh cãi nhưng hiện nay các đấng mày râu đang dần nhường “ngôi” cho bạn đời của mình. Có thể thấy người phụ nữ hiện đại không chỉ đảm đương tốt việc chăm sóc gia đình, con cái mà có xu hướng trở thành trụ cột gia đình trong cả việc kiếm tiền, làm chỗ dựa vững chắc cho chồng, con.

• Tuy nhiên, 50% các quý ông thừa nhận họ phải “từ bỏ” bớt sự nam tính để làm tròn vai “ông bố bảo mẫu”.

Phỏng vấn 100 đàn ông nếu vợ làm trụ cột gia đình

• 23% Bình thường, ai giỏi người ấy làm
• 34% Không thực sự thích, có chút tự ti nhưng phải chấp nhận
• 43% Phản đối, việc trụ cột vẫn phải là đàn ông

Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua