Làm Freelancer: Nhiều rủi ro không lường trước

Những người làm Freelancer cần giao dịch qua email, giấy tờ để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra khiến sức lao động không được công nhận và trả thù lao xứng đáng

Sau buổi trình diễn tại Vietnam International Fashion Week 2015, bộ sưu tập Lúng Liếng của nhà thiết kế Thủy Nguyễn nhận được đánh giá tốt của giới hâm mộ thời trang. Song, có một thông tin đăng tải trên Facebook của cậu sinh viên năm 4 Nguyễn Đức Đại Dương, Đại học Kiến trúc TP. HCM khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về các bước quanh co trong việc làm ra một bộ sưu tập thời trang.

NỖI BỨC XÚC CỦA TÁC GIẢ BẢN VẼ

Trên trang Facebook cá nhân của Đại Dương, một người làm freelancer kể về việc nhà thiết kế Tùng Vũ đại diện Thủy Design House tới đặt mình thiết kế mẫu in cho Lúng Liếng với giá hữu nghị là 2 triệu đồng/mẫu vẽ. Vì Tùng Vũ là chỗ thân quen nên Dương không làm hợp đồng. Sau đó, giữa đôi bên đã xảy ra một số khúc mắc liên quan đến việc thanh toán và quyền tác giả. “…Sau khi sự kiện diễn ra gần hai tháng, vẫn không thấy đụng chạm tới việc thanh toán cho mình. Đến lúc mình không chịu đựng nổi nên phản ứng, thì Tùng Vũ bảo sẽ trả mình 700 ngàn cho một bản vẽ theo giá họa sỹ… Mình còn nhớ lúc kết show, Tùng Vũ có dắt mình ra giới thiệu với chị Thủy rằng mình là người thiết kế vải cho bộ sưu tập hôm ấy. Mình nhớ như in trong đầu chị Thủy quay lại nói với mình: “Ủa vậy hả? Chị tưởng chị là tác giả chứ?”, Đại Dương viết trên Facebook.

Liên hệ với Dương, Tiếp Thị Gia Đình được nghe nhiều hơn quanh câu chuyện của cậu. Dương kể: “Sau khi nhận việc, em bất chấp căn bệnh viêm phế quản mãn tính, bỏ việc làm freelancer cho một thẩm mỹ viện để làm cho Lúng Liếng. Em đã thức đêm vẽ nhiều ngày liền, có lúc nói không ra tiếng, phải dùng bút để trao đổi, bàn concept. Các yêu cầu về thiết kế như lấy cảm hứng mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 19–20, vẽ hình cô gái ôm con, hình cô gái cắm hoa, hình cô gái gội đầu… thường là trao đổi qua email, điện thoại, inbox Facebook. Riêng chuyện tiền bạc, anh Tùng Vũ thường gọi điện trực tiếp cho em. Đến bây giờ, tổng cộng em nhận được 9 triệu đồng cho 12 bản vẽ đã vắt sức làm ra. Nếu theo đúng thỏa thuận ban đầu, em phải nhận được 24 triệu đồng. Bây giờ, em cũng không cần bên đó phải sòng phẳng như đã nói, nhưng em đề nghị một lời xin lỗi công khai từ phía Thủy Design House”.

CÁC BÊN LIÊN QUAN NÓI GÌ?

lam freelancer hinh anh 02

Một số mấu thiết kế trong bộ sưu tập Lúng Liếng

Tiếp Thị Gia Đình đã liên hệ với nhà thiết kế Thủy Nguyễn để tìm hiểu thêm sự việc. Chị Thủy đang đi công tác nước ngoài. Trợ lý của chị Thủy khẳng định: “Chị Thủy là người sáng tạo ra Lúng Liếng, từ ý tưởng cho đến mood board và cách triển khai các mẫu thiết kế, việc bạn Dương đóng góp vào bộ sưu tập này chỉ là vai trò thợ vẽ theo đặt hàng. Sau khi lên ý tưởng Lúng Liếng, chị Thủy chia việc cho các nhân viên của mình, trong đó có Tùng Vũ. Các bạn này tự làm hay thuê người làm, chị Thủy nhận lại bản thiết kế từ các bạn này và trả công cho các bạn. Tùng Vũ đã thuê Đại Dương làm và đó là khúc mắc, xích mích giữa hai người. Thủy Design House chưa từng làm việc trực tiếp với Dương nên không liên quan và cũng không có trách nhiệm phải xin lỗi công khai”.

Cũng theo người trợ lý này, sau khi Đại Dương đưa sự việc lên Facebook, bên Thủy Design House có liên hệ Dương với thiện ý rằng nếu Tùng Vũ trả công quá chênh lệch, Thủy Design House sẵn sàng trả thêm cho xứng với công sức Dương bỏ ra. Tuy nhiên, do phải đi Pháp gấp nên chị Thủy chưa gặp Dương. Về phía Tùng Vũ, anh cho rằng “Thủy Design House không dính líu đến chuyện này” nhưng sau đó lại từ chối đưa ra lời giải thích: “Em không muốn nói gì hết, vì em phải hỏi ý kiến chị Thủy, không tự quyết được”.

ĐỪNG HỢP TÁC DỰA TRÊN NIỀM TIN SUÔNG

lam freelancer hinh anh 03

Theo một số người trong nghề thời trang, mỗi mẫu vẽ tùy theo độ khó dễ, tùy theo tác giả sẽ được trả với giá khác nhau. Nếu là sáng tác, giá thường không dưới 4 triệu đồng/bản vẽ. Nếu mẫu vẽ đó dùng trong in ấn, tác giả còn được hưởng phần trăm trên tổng số lượng in. Tuy nhiên, các nhà thiết kế rất có thể bị quỵt tiền, trả không đúng hạn hoặc trả không bằng với lương đã thỏa thuận ban đầu. Do đó, chính những người làm freelancer phải có biện pháp tự bảo vệ mình: luôn làm hợp đồng, trong đó ghi rõ mức lương và các yêu cầu khác như phải ghi tên tác giả của sáng tác, thỏa thuận cụ thể về kết quả công việc. Các họa sỹ chỉ nên bắt tay vào việc khi khách hàng đã đặt cọc tiền và không gửi toàn bộ sản phẩm khi chưa nhận đủ thù lao. Ngoài ra, họ cần lưu lại mọi chứng từ, thỏa thuận giữa hai bên như email, inbox và ghi âm cuộc gọi khi trao đổi về công việc giữa hai bên.

lam freelancer hinh anh 06

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng, nhận xét về sự việc của Đại Dương: “Việc có ghi tên Đại Dương vào bản vẽ hay không là do thỏa thuận nhưng các bên đã không có thỏa thuận cụ thể. Do đó, trách nhiệm của các bên trong vụ việc này rất khó xác định. Ngay cả chuyện thanh toán 2 triệu hay 700.000 đồng/bản vẽ, nếu chỉ nói chuyện qua điện thoại mà không có ghi âm lại thì Dương khó đòi được quyền lợi của mình. Về phía Thủy Design House, nếu bên này không làm việc trực tiếp với freelancer như trình bày thì phần trả lời của họ như trên là hợp lý”. Theo luật sư Hưng, Đại Dương cần thu thập chứng cứ chứng minh các tác phẩm đó là của mình và có những thỏa thuận với đại diện Thủy Design House để tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Luật sư Kiều Hưng lưu ý: “Các bạn freelancer khi tiếp nhận bất cứ công việc gì cần có thỏa thuận cụ thể bằng văn bản về công việc, thu nhập, thuế, phí, quyền sở hữu trí tuệ… và nên có hai người làm chứng. Các bạn cũng nên tìm hiểu rõ mình đang làm việc với ai, có đủ thẩm quyền đảm bảo quyền lợi cho mình không và ưu tiên chọn những doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu để làm việc. Đừng làm việc bằng niềm tin vì người thiệt thòi sẽ là bạn”.

VÀI ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ QUYỀN TÁC GIẢ CỦA TÁC PHẨM 

lam freelancer hinh anh 05

Tác giả là những người lao động bằng trí tuệ của mình, trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện dưới dạng vật chất nhất định. Tác giả được bảo hộ phải là công dân Việt Nam và công dân nước ngoài sáng tạo tác phẩm trên lãnh thổ Việt Nam hoặc tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên. Với khái niệm trên, chỉ những người trực tiếp làm ra tác phẩm thông qua hoạt động của tư duy sáng tạo mới được coi là tác giả. Những người cung cấp tư liệu, góp ý kiến cho việc sáng tạo, làm phản biện, hướng dẫn khoa học không thể là tác giả của tác phẩm. Kết quả của lao động do tư duy sáng tạo mang lại phải định hình dưới dạng vật chất nhất định (trên giấy, phim nhựa, băng đĩa từ, gỗ, kim loại…). Pháp luật chỉ bảo hộ những ý tưởng về văn học, nghệ thuật và khoa học đã được hình thành bằng tác phẩm ở bất kỳ dạng vật chất nào.

Hiện nay những công việc cần người làm freelancer rất đa dạng và được trả phí tùy theo mức độ công việc, ngành nghề. Tuy nhiên dù hợp tác với bất kỳ ai, bạn cũng nên giao dịch trên giấy tờ, sổ sách hoặc email để có chứng cứ xác đáng sau này.

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua