Nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Harvard và MIT tiến hành. Thử nghiệm trên động vật cho thấy, việc cấy ghép tế bào sản xuất insulin vào cơ thể có khả năng chữa tiểu đường tuýp 1 thông qua việc khôi phục khả năng tự sản xuất insulin của cơ thể.
Năm 2014, các nhà khoa học Đại học Harvard đã phát triển thành công một loại tế bào sản xuất insulin. Nhóm nghiên cứu của MIT sau đó đã tiến hành cấy ghép các tế bào này vào những con chuột và phát hiện ra rằng chúng có khả năng khôi phục việc sản xuất insulin của cơ thể.
Thí nghiệm ở chuột cho thấy, cơ thể khôi phục khả năng tự sản xuất insulin sau 6 tháng cấy ghép tế bào. Các nhà khoa học dự đoán, khi sử dụng ở người, phương pháp chữa tiểu đường tuýp 1 này sẽ cần khoảng 1 năm để khôi phục hoàn toàn.
Những thử nghiệm ở người đang được lên kế hoạch tiến hành với sự phối hợp của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Harvard, MIT, Đại học Illinois, Đại học Massachusetts và Bệnh viện nhi Boston. Nếu được nghiên cứu thành công, phương pháp chữa tiểu đường tuýp 1 này sẽ là giải pháp cho hàng ngàn người mắc căn bệnh này, giúp họ không còn phải phụ thuộc vào liệu pháp insulin để điều hòa lượng đường trong máu.
Tiểu đường tuýp 1 chiếm khoảng 10% các ca tiểu đường hiện nay. Nguyên nhân của căn bệnh này là do cơ thể không tự sản sinh insulin để điều hòa lượng đường trong máu. Tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện ở trẻ em và những người mắc bệnh thường phải sử dụng liệu pháp insulin ngay từ nhỏ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này. Do đó, phương pháp chữa tiểu đường tuýp 1 mới này sẽ góp phần cải thiện hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là với trẻ em.
Bài: Vy Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình