Những ngày 28–30 Tết, chị Thủy Tiên (Q. 2, TP. HCM) thường phải chạy đua cho việc mua sắm Tết. Có năm, đến sáng 29 Tết chị còn rong ruổi tìm mua lá chuối về gói bánh tét, chiều 30 Tết còn đi tìm chục hoa về cắm bình và giá nào cũng phải mua… Làm thế nào để việc mua sắm Tết nhẹ nhàng và tiết kiệm? Mời bạn cùng tham khảo chia sẻ của hai nhân vật sau.
CÔ NGUYỄN THỊ LỜI (TP. HCM) − NỘI TRỢ
Gia đình tôi có 6 người lớn và 5 trẻ nhỏ. Tôi sắm Tết theo kiểu “góp nhặt” dần. Các loại đồ để được lâu ngày, tôi mua trước. Bún khô, miến, mì… tôi mua mỗi thứ khoảng 1kg. Bánh tráng mua khoảng 100 cái. Bia, nước ngọt một thùng mỗi loại. Tầm 15 tháng Chạp tôi mua 5kg kiệu tươi để làm. Nếu không có thời gian, tầm 23 tôi sẽ mua khoảng 2,5kg kiệu sơ chế sẵn của những người quen biết, để đảm bảo họ làm bằng phương pháp thủ công và đun nước giấm, đường cho nhanh dùng được.
Với bánh mứt, tầm 15 tôi cũng mua luôn để có được nhiều loại, mỗi thứ khoảng 200–500g. Khoảng ngày 20, tôi mua tôm khô (200–300g), khô mực, khô bò mỗi loại 1kg. Giò chả, nem chua cần tươi ngon nên tôi mua trễ hơn, mua tại các siêu thị (sản phẩm hút chân không) thì khoảng ngày 23, nếu mua bên ngoài thì khoảng 28–29.
Đến ngày 29–30, tôi mua 3kg thịt và 20 quả trứng cho nồi thịt kho. Tôi sẽ kho thịt và cho vào một chục trứng để ăn trước. Khi nào hết trứng, sẽ luộc trứng cho vào thêm để trứng không bị cứng. Cũng ngày này, tôi mua hoa và ngũ quả.
Tôi thường phải chi khoảng 5 triệu đồng cho việc mua sắm Tết. Đó là chưa tính khoản lì xì cỡ 1 triệu đồng.
CHỊ LÊ MAI KIM CHI, TRƯỞNG BỘ MÔN KINH TẾ GIA ĐÌNH, ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP. HCM
Với các món thịt, tốt nhất nên mua và nấu vào ngày 29, 30 Tết để món ăn vẫn còn ngon trong 3 mùng đón Tết. Rau củ và hoa quả cũng mua thời gian này để có giá tốt và đảm bảo độ tươi. Đối với hoa chậu trưng Tết, một số người thường mua sớm để có hoa đẹp nhưng giá lúc ấy rất đắt. Để tránh lãng phí, ta có thể mua cận ngày 30 để có giá phải chăng nhưng hoa vẫn còn đẹp.
Nếu nấu bánh, tốt nhất là nấu ngày 26 để còn có thời gian biếu tặng. Trung bình 1kg nếp gói được 3 chiếc bánh. Với bánh mứt, nên chọn sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và thời hạn sử dụng, không chọn loại có màu sắc quá tươi. Đối với gia đình gồm hai người lớn và hai trẻ nhỏ, mức chi tiêu để ăn Tết (khoảng 7 ngày) cần trung bình 3 triệu đồng. Với những gia đình dành 2–3 ngày để về quê hoặc đi du lịch đón Tết, chi phí mua sắm Tết của một gia đình 4 người như trên chỉ nên gói ghém trong 1,5 triệu đồng.
Mỗi gia đình có đặc điểm riêng. Từ bây giờ, các bạn có thể lên kế hoạch mua sắm Tết để không phải rơi vào tình trạng vội vã hay kiệt sức.
DU LỊCH DỊP TẾT
Theo chị Lê Mai Kim Chi, để tránh tình trạng “chặt chém”, bạn nên đăng ký theo tour. Nếu tự tổ chức, bạn cần chuẩn bị một ít thức ăn khô như chà bông, chả lụa, xúc xích, bánh mì sandwich, bánh chưng, bánh tét và các loại trái cây dễ mang theo như quýt, mận, ổi… để giảm chi phí và đảm bảo vệ sinh. Không nên mua quá nhiều hàng lưu niệm hay quần áo đặc trưng của vùng bạn đến. Chúng sẽ rất đắt hoặc không phù hợp với thời tiết và đặc điểm sinh hoạt nơi bạn sinh sống.
Bài: Thái Hân
Tiếp Thị Gia Đình