Trẻ nhỏ có khả năng học ngôn ngữ rất nhanh. Ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ, giai đoạn này trẻ còn có thể tiếp thu ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên càng lớn, khả năng này càng có xu hướng giảm sút. Khi đến tuổi trưởng thành, khả năng học ngoại ngữ ở mỗi người là khác nhau, các nhà khoa học gọi là khả năng thông minh ngôn ngữ.
Để tìm hiểu về nguyên nhân gây nên sự khác biệt này, nhóm các nhà khoa học do hai giáo sư Xiaoqian Chai và Denise Klein thuộc Đại hoc McGill ở Montreal (Canada) đứng đầu đã tiến hành nghiên đo lường sự khác biệt trong hoạt động não bộ của người trưởng thành khi học ngôn ngữ thứ hai.
15 người trưởng thành nói tiếng Anh được chọn tham gia nghiên cứu sẽ phải tham dự một khóa học tiếng Pháp trong 12 tuần. Các nhà khoa học sẽ kiểm tra khả năng học ngoại ngữ của họ thông qua khả năng nói và tốc độ đọc tiến bộ sau mỗi tuần.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào khả năng kết nối của hai bán cầu não trong giai đoạn nghỉ và trong lúc hoạt động. Trước mỗi buổi học, những người tham gia sẽ được tiến hành chụp MRI não để theo dõi trạng thái hoạt động của não bộ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở những người có sự phối hợp linh hoạt giữa hai bán cầu não có khả năng học tập nhanh hơn hẳn, thể hiện ở khả năng sử dụng linh hoạt từ ngữ khi nói và tốc độ đọc qua mỗi tuần.
Giải thích cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho biết, khả năng học ngoại ngữ là sự phối hợp hoạt động của nhiều bộ phận trong não bộ. Khi tiếp xúc với một sự vật, não sẽ nhận diện và tìm từ vựng mô tả nó trong bộ nhớ, sau đó liên kết lại với nhau thành một câu, một số ngôn ngữ còn đòi hỏi sử dụng ngữ pháp theo ngữ cảnh nói. Do đó, sự phối hợp hoạt động càng linh hoạt, khả năng học ngôn ngữ thứ hai của người đó sẽ càng cao.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng lưu ý là điều này chỉ thể hiện sự liên kết hoạt động của hai bán cầu não chứ không thể hiện người nào thông minh hơn, bởi chỉ số thông minh của mỗi người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.
Bài: Vy Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình