Cách đây khoảng 100 năm, các nhà khoa học đã tìm ra bệnh Melioidosis − một căn bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.
Vi khuẩn gây bệnh thường được tìm thấy sống trong đất của các nước nhiệt đới và chúng có thể tồn tại trong môi trường đến 6 năm, đáng lo ngại hơn bệnh có thể lây lan trong môi trường nước sinh hoạt. Bệnh Melioidosis (Whitmore) chủ yếu phân bổ ở Đông Nam Á và bắc Úc, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan (gần miền Trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới.
Con đường chính phơi nhiễm là qua các vết cắt trên da, tuy nhiên người ta cho rằng bệnh còn có khả năng lây truyền qua đường hô hấp trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khi vi khuẩn từ đất bị thổi lên theo gió bụi trong không khí. Đó là lý do tại sao một số quốc gia xem đây là một tác nhân vũ khí sinh học tiềm năng và đang nghiên cứu để có thể sử dụng nó làm vũ khí.
Ca nhiễm bệnh đầu tiên được nhà khoa học người Anh, Alfred Whitmore phát hiện ra tại Burma, Myanmar vào năm 1911. Vì thế bệnh còn có tên gọi khác là bệnh Whitmore. Năm 1925, ca bệnh Melioidosis đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại viện Pasteur, TP. HCM.
Các nhà khoa học thuộc đại học Oxford ước tính rằng có 165.000 trường hợp mắc bệnh trong năm vừa qua, trong đó gần 90.000 ca đã tử vong, gần bằng số ca tử vong của bệnh sởi (95.000). Ngoài ra họ còn dự đoán, bệnh có mặt ở nhiều quốc gia hơn so với số liệu từ các báo cáo. Đã có những trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo trên 45 quốc gia, nhưng có khả năng bệnh cũng đã xuất hiện ở khoảng 34 quốc gia khác chưa có báo cáo trường hợp nhiễm bệnh.
Hiện nay chưa có vắc xin chủng ngừa bệnh, Melioidosis kháng thuốc với một loạt các loại kháng sinh và rất khó chẩn đoán. Các triệu chứng của bệnh có thể làm chúng ta nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao, viêm phổi. Điều đó có nghĩa là bệnh chỉ có thể xác định chính xác qua xét nghiệm trong những phòng thí nghiệm vi sinh học hiện đại đầy đủ các phương tiện kỹ thuật.
Cùng với sự gia tăng của bệnh tiểu đường và sự phát triển du lịch, bệnh có khả năng phát triển mạnh trong những năm tới. Vì thế cần nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh Melioidosis để “kẻ giết người giấu mặt” này không còn nằm trong bóng tối nữa.
Theo Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, một trong những nhà nghiên cứu căn bệnh này tại Việt Nam, người dân làm việc và tiếp xúc nhiều với đất (nông dân), có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính về thận và phổi, có những triệu chứng sốt kèm theo viêm phổi thì nên đến các cơ sở y tế có uy tín có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Bài: Tuyết Trần
Tiếp Thị Gia Đình