Làm gì khi trẻ chớm bệnh?

Bạn xót ruột mỗi khi thấy con viêm hô hấp? Hãy bỏ túi những thông tin sau để tham khảo khi trẻ chớm bệnh

Bé Mi, con chị Minh Nguyệt (TP. HCM) thường bị viêm đường hô hấp. Khi thấy con hắt hơi, chảy nước mũi, chị rất lo con sẽ trở bệnh nặng nhưng không biết cách nào giải quyết. Cùng với chị Nguyệt, một số phụ huynh khác cũng có thắc mắc xung quanh vấn đề trẻ chớm bệnh. Vì vậy, Tiếp Thị Gia Đình đã phỏng vấn bác sỹ Đông và Tây y để trả lời vấn đề này.

THS−BS. PHẠM ĐÌNH NGUYÊN, KHOA TAI MŨI HỌNG, BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 1

» Không nên cho trẻ uống kháng sinh ngay khi mới có dấu hiệu bệnh?

Hầu hết, trường hợp sốt, ho, sổ mũi của bé đều không cần dùng kháng sinh vì ở trẻ, nguyên nhân gây các vấn đề này đều do vi-rút gây bệnh thông thường.

» Vậy xử lý thế nào khi trẻ mới hắt hơi, sổ mũi?

Bạn có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%, Effticol) hay nước biển sâu (Xisat, Stérimar) để vệ sinh mũi. Nếu dịch mũi ứ đọng nhiều, bạn dùng dụng cụ để hút mũi vài lần trong ngày.

Trường hợp trẻ có sốt trên 38°C, bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt (Efferalgan, Tylenol, Hapacol) với liều 10−15mg/kg/lần, mỗi 4−6 giờ, bạn hãy dùng khăn thấm nước ấm lau mát cho bé liên tục ở những vị trí như trán, ách, bẹn để giúp bé giảm
sốt nhanh hơn.

tre chom benh hinh anh 02» Có thể cho trẻ uống loại thuốc nào để bệnh không tiến triển xấu hơn?

Không có cách nào để chặn đứng tình trạng hắt hơi, sổ mũi mà không cần dùng thuốc cả. Điều bạn nên làm là hạn chế dùng máy lạnh, tránh cho trẻ tiếp xúc khói thuốc lá, đeo khẩu trang khi ra đường và giữ ấm vừa phải.

» Điều này chứng tỏ không cần đưa trẻ đến bác sỹ khám khi chớm bệnh?

Không hẳn vậy, nếu bé dưới hai tháng tuổi, khi có sốt, ho, sổ mũi, bạn nên đưa đến bác sỹ khám. Với bé lớn hơn, nếu có sốt cao liên tục trên ba ngày, triệu chứng ho, sổ mũi không cải thiện hay nặng thêm, khó thở, thở khò khè thì tốt nhất, bạn nên đưa bé đi khám ngay.

LƯƠNG Y PHẠM ANH DUY, PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y TÂM Y ĐƯỜNG

» Thưa bác sỹ, khi trẻ chớm bệnh, bố mẹ nên làm gì?

Đầu tiên, bố mẹ cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bé. Có thể cho trẻ uống nước cam với mật ong để tăng cường hệ miễn dịch.

» Bố mẹ nên cho trẻ dùng thảo dược gì nếu trẻ chớm ho?

Ho không phải là bệnh mà là phản xạ của vùng hầu họng do một nguyên nhân nào đó. Vì vậy, để trị ho, bố mẹ cần xác định nguyên nhân gốc rễ của nó. Có các nguyên nhân sau:

♦ Trẻ ho do lạnh: Lúc này, bạn cần ủ ấm trẻ, dùng dầu gững hoặc khuynh diệp xoa lên lưng ở hai bên phổi trẻ, khong dùng dầu có chứa bạc hà (menthol) vì sẽ gây lạnh chứ không giữ ấm.

♦ Trẻ ho do cảm cúm: Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cúm, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Nếu trẻ ho nhiều, bác sỹ mới dùng kèm thuốc ức chế phản xạ ho.

tre chom benh hinh anh 03Một số bài thuốc chữa ho, bạn có thể áp dụng khi trẻ chớm bệnh:

− Trẻ ho do cảm, viêm phế quản cấp và mãn: Bạn dùng nửa quả lê cắt nhỏ, chưng cách thủy với đường phèn và cho bé ăn cái lẫn nước.

− Bài thuốc trị ho do nhiều nguyên nhân: 10g lá chanh tươi, 2g trần bì (vỏ quýt), 10g tần dày lá nấu rồi cho trẻ uống nhiều lần/ngày.

− Nếu không có thời gian chưng cất, bạn cho trẻ uống xi-rô ho như Xuyên bối tỳ bà cao, thuốc ho Bảo Thanh, Thiên môn bổ phổi.

» Vì sao trẻ rất dễ ốm, nằm quạt hay máy lạnh đều có thể bệnh, nóng ra mồ hôi cũng bệnh?

Đối với Đông y, trẻ nhỏ hay bị cảm, sổ mũi là do vệ khí kém. Vệ khí là khí di chuyển dưới da, bao quanh cơ thể chống lại sự thâm nhập của phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm ướt) vào cơ thể gây bệnh.

Có những vị thuốc giúp bồi bổ nguyên khí, từ đó nâng cao vệ khí, phòng và trị bệnh cảm mạo là cao ban long, hoàng kỳ, đinh lăng,… Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng. Ngoài ra, trẻ hay đổ mồ hôi, nhất là khi ngủ. Do đó, bạn cần lau khô, thay áo để trẻ không bị cảm lạnh và viêm phổi.

Mục Sức khỏe − Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua