Nắm chặt tay nhau

Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nó ở trong từng câu nói, cử chỉ, sự quan tâm nhỏ nhặt ta dành cho nhau mỗi ngày

63 NĂM CHƯA RỜI TAY NHAU

Tôi tới nhà ông bà khi bà đang nghỉ ngơi ở nhà trong, còn ông uống trà ở nhà ngoài. Thấy khách đến, ông cất tiếng gọi vợ: “Đồng chí ơi, các cháu đến rồi này”. Bà bước ra. Ông đỡ bà ngồi xuống ghế, âu yếm dặn: “Đồng chí ngồi xuống đây, mỏi thì tựa lưng vào ghế, mệt thì vào nhà trong nghỉ nhé” rồi quay sang nói với tôi: “Bà mới ốm dậy, sức khỏe chưa tốt lắm cháu ạ. Nếu bà mệt, ông sẽ tiếp chuyện cháu nha”. Bà mỉm cười: “Không sao đâu” rồi đặt tay nắm chặt tay chồng.

Cưới nhau từ năm 1952, ông bà đã có 63 năm sống bên nhau, cùng nuôi bảy người con thành đạt. Nỗi vất vả ấy không khiến ông bà quên việc dành thời gian cho nhau. Sáng nào ông bà cũng thức dậy lúc bốn giờ, cùng đi tập thể dục. Ông khỏe nên đi bộ nhiều vòng hơn. Bà mệt sẽ ngồi nghỉ, đợi ông đi qua, vẫy tay với ông. Có những hôm bà vẫy ông lại vì có việc cần nhờ rồi lại có hôm bà vẫy vào chỉ để bảo: “Tôi thấy ông đi qua thì mừng, không có nhu cầu gì cả, ông đi tiếp đi”.

Nhiều năm quen với hình ảnh ấy, vài tháng nay bà ốm, ông đi tập một mình buồn thiu. Đi tập thể dục về, ông pha cà-phê. Bà chẳng uống được thứ này nhưng cũng ngồi bên chồng, nhấm nháp cho vui và bàn bạc công việc. Ngày trẻ, đó là việc làm ăn, nuôi dạy con, gia đình hai bên. Giờ đây, đó lại là những chuyện như đi chùa nào, đến thăm ai. Nói đến đây, bà cười: “Bà có nhiều hình kỷ niệm của hai vợ chồng lắm. Ông và bà đều rất thích đi chùa. Năm nào cũng đi hơn chục chuyến. Đi đâu ông cũng kè kè bên bà, thậm chí đứng canh ở ngoài toilet để đỡ bà khi cần. Những ngày ốm yếu, con cái tranh nhau tắm cho mẹ nhưng bà vẫn thích được ông tắm táp, gội đầu. Bà yên tâm nhất khi có ông ở bên”.

nam chat tay nhau hinh anh 02

63 năm hai ông bà vẫn nắm chặt tay nhau đi qua từng cột mốc của cuộc đời

Tôi hỏi vui: “Vậy là trình độ nhõng nhẽo của mình cũng cao lắm bà nhỉ?”. Bà cười, quay sang nhìn ông. Ông dí dỏm nói: “Nhõng nhẽo là số một cháu ạ. Nhưng vợ nhõng nhẽo thì chồng có cơ hội che chở, bảo vệ và khẳng định vai trò của mình. Bản năng của đàn ông mà”. Cứ như vậy, ngày gia đình còn ở Phan Thiết hay đã chuyển vào Sài Gòn, ông bà vẫn luôn nắm tay nhau. Có người còn hỏi: “Làm sao ông cứ phải nắm chặt tay vợ thế? Không mắc cỡ à?”. Ông cười đáp: “Tôi sợ mất vợ tôi, tôi phải nắm tay chớ. Vợ tôi tôi nắm, có gì mà mắc cỡ”.

NHẪN NẠI ĐỂ HẠNH PHÚC

Ông vui vẻ kể: “Khi tôi đặt câu hỏi: “Bà có điểm nào chưa hài lòng về tôi?”, bà đã trả lời: “Chẳng có gì không hài lòng cả”. Trước lời khen của vợ, ông chia sẻ: “Tính bà hiền nhưng khi giận thường nói nhiều. Lúc đó ông không đấu lời. Chờ đến khi bà dịu xuống, ông mới nhẹ nhàng: “Bà ơi, bây giờ tôi nói bà nghe này. Bà làm như vậy là sai rồi đấy. Nếu bà nhận sai, tôi sẽ nói tiếp, còn nếu bà không thấy mình sai, tôi sẽ không nói nữa”. Với ông bà, người sai luôn biết nhận lỗi”. “Ông nhớ có lần bà giận ông dữ lắm, quanh chuyện không thống nhất cách dạy con. Lời qua tiếng lại, bà xếp quần áo, bồng con đi. Vừa mới ra đến cửa, bà quay lại hỏi: “Ông ơi, tôi muốn đi xuống nhà chị Ba, mà đi đường nào?”. Ông buồn cười quá, cười xòa, xách ba lô vào nhà, kéo bà ngồi xuống: “Bà đi vô đi, tôi chỉ đường cho” rồi tiện thể khóa cửa. Khỏi bỏ đi cũng hết giận luôn (cười).

nam chat tay nhau hinh anh 4

Vợ chồng làm tổn thương nhau một lần sẽ rất dễ có những lần sau. Khi tổn thương quá nhiều, tình yêu không còn, dễ dẫn đến đổ vỡ

Theo ông, nóng nảy sẽ đạp đổ tất cả. Ương ngạnh giết chết hạnh phúc vợ chồng. Nếu khi vợ cương, chồng nên nhu và ngược lại sẽ ít có xung đột xảy ra. Tính cách này của ông phần nhờ sẵn có, phần khác nhờ tự rèn mà thành. Lúc bà giận, ông thường đặt mình vào vị trí của bà để tự xét mình, hiểu cảm giác của bà, từ đó mới đủ nhẫn nại, vượt qua được bão giận của đàn bà. Suốt 63 năm, ông bà có lúc lớn tiếng nhưng chưa một lần chửi tục, làm tổn thương nhau.

Khi tôi hỏi: “Ông biết bà thích món ăn gì nhất không?”. Ông trả lời ngay: “Món độc của bà nhà ông là cá kho tộ. Tính ra bà ấy khôn lắm. Từ nhỏ bà không ăn thịt nên lựa lấy ông là người Mũi Né, chỉ cá là cá tha hồ mà kho tộ (cười lớn). Còn trái cây? Bà là con gái miền Tây nên thích xoài, sầu riêng. Đi đâu thấy món này, ông lại mua về cho bà, bà thích lắm”. Bốn giờ chiều, khi đang chuyện trò rôm rả, ông bất ngờ đứng dậy: “Đến giờ bà uống thuốc rồi”. Ông vào nhà trong lấy thuốc đặt vào tay bà rồi tráng ly, rót nước đưa cho vợ. Nhìn hai ông bà chăm nhau, tôi hiểu hơn vì sao hôn nhân của ông bà “ngọt” đến tận bây giờ.

KHÔNG CÓ ÔNG ẤY, TÔI KHÔNG ĂN NỔI

nam chat tay nhau hinh anh 03Có hai vợ chồng cùng ngồi bên mâm cơm chiều. Vợ chọn miếng cá lóc ngon bỏ vào bát của chồng. Người chồng cười, lấy cá chấm nước mắm ăn ngon lành, rồi đưa phần cá còn lại cho vợ: “Bà ăn đi, chỗ này hết xương rồi nè!”. Tôi đã gặp hình ảnh thân thương đó khi thăm chú Dương Văn Hùng và vợ, cô Kiều Thị Điều ở P. An Phú Đông, Q. 12, TP. HCM.

Cô Điều chia sẻ: “Hơn 40 năm qua, nhà cô luôn ăn cơm cùng nhau. Không có chú ấy, cô ăn cũng không ngon miệng. Nếu chú bận việc, cô sẽ cho các con ăn trước còn mình chờ chồng về. Bữa cơm là lúc cả nhà đoàn tụ, chia sẻ và cảm nhận được hơi ấm gia đình. Nhìn thấy chồng con ăn món mình nấu, cô vui lắm. Cô cũng muốn các con nhìn thấy cha mẹ hạnh phúc để chúng có động lực học tập, làm việc và giữ hạnh phúc gia đình sau này. Giờ đây, các con đã lớn, cô chú càng có nhiều thời gian cho nhau. Sáng 4 giờ 30 thức dậy, chú chở cô ra công viên gần nhà để chú đi bộ, cô tập thể dục. 7 giờ, cô chú cùng đi ăn sáng rồi về chăm sóc vườn. Mỗi khi đọc báo, hễ có tin tức hay, chú lại đọc to lên cho cô cùng nghe. Nhiều khi cô lỡ tay và mải làm việc nhà, chú bảo: “Bà nghỉ tay đi, để lát tui làm cho, có gì đâu mà vội”. Cô kể thêm: “Được cái cô và chú rất hiểu ý nhau. 40 năm sống chung với nhau, tất cả quần áo, giày dép của chú đều do cô chọn. Ấy vậy mà chưa bao giờ chú tỏ ra không thích. Ngược lại chú cũng hiểu cô lắm. Chưa bao giờ chú chọn sai màu áo hay cỡ giày cho vợ”. Với cô Điều và chú Hùng, hạnh phúc gia đình đơn giản là thế.

Bài: XOA XOA – HÂN THÁI

Mục Gia đình – Tâm lý / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua