Chị H. Hoa (TP. HCM) kể: “Năm ngoái, con mình có 800.000 đồng tiền lì xì. Bé cho đó là tài sản của mình nên lấy hết để mua đồ chơi. Hai mẹ con đã giận nhau mấy ngày”. Trải qua kinh nghiệm hướng dẫn con dùng tiền lì xì đúng cách, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ nhiệm Hội quán Các bà mẹ mách bạn các chiêu sau:
PHỤC VỤ CHÍNH MÌNH
Khi giữ tiền lì xì trong tay, con trẻ sẽ thích thú vì được sở hữu tài sản như người lớn. Khi ấy, con rất muốn dùng số tiền mình có để chi tiêu theo ý muốn, cho nhu cầu cá nhân của trẻ. Vì vậy, để con hào hứng và toàn quyền cho bạn can thiệp, hãy cho bé dùng tiền lì xì theo sở thích của bé. Đừng phàn nàn chuyện con dùng tiền mừng tuổi để mua đồ chơi vì đó là một trong những niềm vui hiếm hoi của trẻ trong những ngày xuân. Bạn cho trẻ nêu lên món đồ muốn mua. Sau đó, bạn hãy tư vấn: “Nếu con mua chiếc máy bay này thì cuối năm sẽ không có tiền mua xe đạp đâu nhé!”. Khi ấy con trẻ sẽ nghĩ đến những mục tiêu xa và lớn hơn mà bé rất thích để có cách chi tiêu hợp lý.
PHỤC VỤ CHO GIA ĐÌNH
Đừng nghĩ trẻ ham chơi và chỉ muốn dùng tiền mừng tuổi để mua đồ chơi, bánh kẹo thôi nhé. Mục đích sử dụng của trẻ sẽ bị chi phối nhiều nếu người lớn đưa ra những lý do thuyết phục. Khi bạn cứ khư khư: “Để mẹ cất hộ rồi vài bữa cả nhà đi tắm biển”, trẻ có thể sẽ không nghe theo. Thay vào đó, hãy để trẻ tự nguyện đóng góp như cách bạn và những người trong nhà cho tiền vào một quỹ nhất định (ví dụ một con heo đất có nhãn ghi: “Tiền cuối năm đi chơi”). Điều đó khiến trẻ nhận thấy đây là một việc làm nghiêm túc, cả nhà đều hưởng ứng. Chính quỹ riêng này sẽ khiến con yên tâm vì biết chúng được bảo quản độc lập chứ không phải một cá nhân nào nắm giữ. Bên cạnh đó, cảm giác quan trọng khi thấy mọi người chờ đợi số tiền của mình như tiền của người lớn sẽ khiến trẻ hào hứng đóng góp hơn.
SỬ DỤNG CỘNG ĐỒNG
Từ lứa tuổi mẫu giáo đến cấp một là giai đoạn nền tảng trong việc hình thành tính cách. Vì vậy, để dạy cho bé biết yêu thương, bên cạnh sử dụng tiền cho bản thân, gia đình, bạn hãy khơi gợi lòng trắc ẩn giúp trẻ biết chia sẻ tiền lì xì mình có với những bạn nhỏ khó khăn. Đó có thể là một bạn nhỏ hàng xóm hoặc bạn cùng lớp mà bé gặp gỡ hàng ngày.
Thay vì trao tiền, bạn gợi ý con mua bánh kẹo, bút viết và để chính bé trao tận tay các bạn nhỏ, bởi vì việc dùng tiền mọi người mừng tuổi mình đem biếu lại cho người khác sẽ tạo sự tiếc nuối cho bé.
Bài học cho con qua cách sử dụng tiền mừng tuổi
Với bé từ 6 tuổi, khi đi mua sắm, bạn cho con thấy sự chênh lệch giá của một món hàng ở những cửa hàng khác nhau (không nên mua ngay món hàng ở một cửa hàng nào đó). Điều này giúp kích thích khả năng suy tính của bé. Sau đó, bạn sẽ cho bé biết, tại sao cùng một món hàng lại có sự chênh lệch. Từ đó bé sẽ biết liên hệ cuộc sống và vận dụng ở những lần sau. Ngoài ra, việc dạy con dùng tiền lì xì đúng cách, bạn cũng nên hướng dẫn con lập bảng kế hoạch chi tiêu suốt tháng Giêng.
Bài: VƯƠNG HUY KHÔI
Mục Mẹ và con – Tâm lý / Tiếp Thị Gia Đình