Hiểu đúng về bệnh ngón tay lò xo

Khi gấp duỗi ngón tay, có tiếng “bặt bặt” và đau ở gốc ngón tay, bạn có thể đã bị ngón tay lò xo. Hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu về căn bệnh này

Bình thường, gân gấp ngón tay được bao bọc bởi bao gân và nhờ lớp dịch mỏng bôi trơn nên gân trượt dễ dàng trong bao gân. Khi bàn tay làm việc quá tải hoặc chấn thương nhẹ lặp lại nhiều lần, dễ gây viêm bao gân ở bàn tay, cổ tay. Trong đó, viêm bao gân gấp ở ngón tay còn gọi là ngón tay lò xo, ngón tay cò súng hay ngón tay bật rất thường gặp. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của bạn.

Để giải đáp thắc mắc cho một số bạn đọc đang bị bệnh này, Tiếp Thị Gia Đình đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ – Bác sỹ Đoàn Anh Tuấn, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội.

Tiếp Thị Gia Đình: Thưa bác sỹ, người làm nghề nào dễ bị ngón tay lò xo?

Ths–Bs. Đoàn Anh Tuấn: Một số nghề nghiệp phải dùng đến bàn tay nhiều như nghề nông, giáo viên, thợ thủ công, thợ cắt tóc, công nhân cầm búa, khoan, tiện, vận động viên tennis thường mắc bệnh này. Do sử dụng bàn tay nhiều, bao gân chịu lực chấn thương nhẹ nhiều lần tích tụ, gây bệnh.

Tiếp Thị Gia Đình: Nhiều người nhầm ngón tay lò xo với viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, gút vì đều đau ở khớp, ngón tay. Có người chữa trị dai dẳng vẫn không khỏi. Vậy biểu hiện đặc trưng của bệnh này là gì?

Ths–Bs. Đoàn Anh Tuấn: Do bao gân của các gân gấp ngón tay bị viêm dày lên, nên khi gấp, duỗi các ngón, phần viêm trượt lên đường hầm bao gân đã bị chít hẹp, gây đau cùng với tiếng “bặt bặt” và động tác giật cục của ngón tay. Bệnh nhân thường bị đau một ngón, hai ngón, một hoặc cả hai bàn tay.

ngon tay lo xo hinh anh 01Tiếp Thị Gia Đình: Một số người chụp X−quang hoặc CT nhưng không tìm ra bệnh. Xin bác sỹ tư vấn cách chẩn đoán bệnh này.

Ths–Bs. Đoàn Anh Tuấn: Với ngón tay lò xo, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ như khi ấn vào vị trí bao gân bị viêm và tại xơ cục, bệnh nhân sẽ thấy rất đau, khó cử động ngón tay. Chụp X−quang và CT bàn tay không thể tìm ra bệnh vì máy không đọc được dữ liệu khi chụp gân. Để chẩn đoán, siêu âm với đầu dò tần số 7,5–20MHz sẽ thấy gân dày lên và có dịch bao quanh.

Tiếp Thị Gia Đình: Hiện nay, có những phương pháp điều trị nào?

Ths–Bs. Đoàn Anh Tuấn: Tùy vào tình trạng của bệnh nhân, bác sỹ có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:

♦ Tự tập luyện phản xạ co duỗi ngón tay, đi kèm uống thuốc gồm có thuốc giảm đau (acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid (diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib).

♦ Tiêm corticoid tại chỗ với bệnh nhân đã thực hiện xét nghiệm cơ bản (máu, chức năng gan, thận…). Khi tiêm, phải có bác sỹ chuyên khoa và phòng tiêm vô trùng.

♦ Mổ nội soi hoặc mổ hở khi bệnh không khỏi hoặc tái lại nhiều lần. Mổ nội soi có ưu điểm là vết mổ rất nhỏ, song mổ hở đạt hiệu quả hơn. Người bệnh tập co duỗi ngón tay sau khi mổ một ngày, biên độ tập tăng dần để ngón tay dần hoạt động trơn tru.

Tiếp Thị Gia Đình: Xin cảm ơn bác sỹ.

THÔNG TIN THÊM

Bệnh ngón tay lò xo còn gặp ở trẻ sơ sinh nhưng do trẻ thường nắm bàn tay lại nên nhiều người ít nhận ra. Ngay khi phát hiện ngón tay con co duỗi khó khăn, bạn nên đưa bé tới khoa chấn thương chỉnh hình để khám và chữa trị. Nếu không sẽ gây co gân và biến dạng các khớp. Phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật.

MÁCH BẠN

ngon tay lo xo hinh anh 02♦ Đi giày cao gót khiến nhiều phụ nữ dễ viêm gân cổ chân đặc biệt là gân ở gót. Để giảm thiểu khả năng mắc bệnh, bạn không nên đi giày cao gót cả ngày. Nếu buộc phải mang, bạn nên cho đôi chân nghỉ ngơi hợp lý. Buổi tối, bạn ngâm chân với nước ấm pha muối gừng, xoa bóp cơ cẳng chân để mạch máu lưu thông.

♦ Phụ nữ sau khi sinh do cơ thể thiếu hụt can-xi nên cần tránh bế con liên tục hay giặt giũ, mang vác sớm để phòng viêm gân vùng cổ tay. Biểu hiện của bệnh là đau khi tăng vận động ngón tay cái. Bác sỹ có thể cho bạn uống can-xi bổ sung, thuốc chống viêm hoặc tiêm thuốc vào chỗ đau.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua