Tìm hiểu về túi khí xe hơi

Dây an toàn và túi khí xe hơi là hai thiết bị quan trọng giúp giảm thiểu chấn thương cho hành khách. Cùng tìm hiểu về chúng nhé!

Nhắc đến vấn đề an toàn khi lái xe, có lẽ hầu hết chị em đều nghĩ đến dây an toàn mà quên mất còn một thiết bị quan trọng không kém là túi khí. Túi khí SRS (Supplemental Restraint System): Bạn chắc chắn từng thấy hình ảnh túi khí xe hơi bung ra trên phim ảnh khi nhân vật lái xe gặp tai nạn. Từ chuyên môn gọi đó là gối khí, giúp bảo vệ bạn khỏi va đập, gây chấn thương ngực, cổ và đầu. Túi khí phía người lái được lắp ở trung tâm vô-lăng, còn túi khí cho ghế phụ được lắp ở gần bảng táp-lô.

TÚI KHÍ XE HƠI HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

SRS là thiết bị an toàn phụ, bổ trợ cho dây an toàn.

Nguyên lý hoạt động của túi khí xe hơi: Khi có va chạm mạnh về phía trước, xe dừng lại đột ngột, quán tính làm cho người lái và hành khách lao về phía trước với vận tốc lớn nên dây an toàn sẽ giúp bạn không bay tới… kính xe. Nếu va chạm vừa phải, dây an toàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ này và túi khí không cần thiết phải hoạt động. Nếu xảy ra va chạm rất mạnh, có nguy cơ gây chấn thương nặng, phần trên của cơ thể bị quán tính ném về phía trước – lúc đó túi khí bung ra thành chiếc gối đỡ cho bạn.

• Bạn cần lưu ý: dây an toàn là quan trọng nhất, túi khí chỉ hỗ trợ thêm cho dây an toàn. Không ít người Việt rất lười cài dây an toàn. Do đó vì sự an toàn của chính bạn và người thân, hãy đảm bảo rằng các thành viên khi ngồi trên xe đều đã thắt dây an toàn nhé!

tui khi xe hoi hinh anh 02• Tác dụng thế nào? Theo các thống kê tại Mỹ, dùng dây an toàn giảm 42% số người chết do va chạm. Các trường hợp thắt dây an toàn cùng với túi khí hoạt động giảm số người chết tới 46%. Khi túi khí xe hơi hoạt động không có dây an toàn, số người chết chỉ giảm được 18%. Do đó, việc thắt dây an toàn là điều cực kỳ quan trọng.

CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ TÚI KHÍ XE HƠI HOẠT ĐỘNG 

Không phải trong mọi trường hợp tai nạn, túi khí đều hoạt động. Nói chính xác, túi khí được thiết kế để hoạt động khi tính mạng người ngồi trong xe bị đe dọa.

Khi nào túi khí phía trước hoạt động?

Thông thường, túi khí được thiết kế hoạt động chỉ khi va chạm rất mạnh từ phía trước xe vượt quá ngưỡng thiết kế, trong khoảng góc nhỏ hơn 30 độ so với tâm xe về bên trái hoặc bên phải. Bạn có thể tạm hình dung túi khí sẽ hoạt động khi xe đâm vào bức tường cố định ở tốc độ 20km/giờ hoặc vào cột bê tông không bị dịch chuyển và biến dạng ở tốc độ 30km/giờ. Tuy nhiên, ngưỡng tốc độ này sẽ phải lớn hơn nhiều trong trường hợp:

Nếu xe đâm vào một vật có thể xê dịch hoặc bị biến dạng, như một chiếc xe đang đỗ hoặc cột biển báo…

Nếu xe đâm chui vào một vật khác như gầm xe tải.

Khi nào túi khí bên và túi khí rèm hoạt động?

Các túi khí bên và túi khí rèm sẽ được kích hoạt trong trường hợp xe bị va đập mạnh quá ngưỡng thiết kế (cường độ lực tương ứng với lực va đập được tạo ra bởi một xe khác nặng 1.500kg đang chạy với tốc độ từ 20–30km/giờ đâm vào cabin xe bạn theo hướng vuông góc).

Các trường hợp khác có thể kích hoạt túi khí:

Túi khí có thể hoạt động nếu có va chạm mạnh phía dưới gầm xe như:
• Xe đâm phải gờ, lề đường hay bề mặt cứng.
• Xe rơi xuống hố sâu hoặc rãnh sâu.
• Xe bị va mạnh xuống đất hoặc rơi.

tui khi xe hoi hinh anh 03

MỘT SỐ TÌNH HUỐNG TÚI KHÍ CÓ THỂ KHÔNG HOẠT ĐỘNG

Đôi khi bạn thấy túi khí sẽ không hoạt động khi xe va chạm từ hai bên hông, phía sau hoặc bị lật.

Túi khí phía trước và túi khí bảo vệ đầu gối (nếu có) sẽ không hoạt động trong một số trường hợp:

• Va chạm bên sườn xe, phía sau xe hoặc xe bị lật, lăn tròn hoặc nếu xe bị đâm từ phía trước với tốc độ thấp.
• Khi xe đang đứng yên, túi khí có thể không hoạt động nếu xảy ra va chạm từ phía trước với xe có trọng lượng tương đương đang di chuyển với tốc độ 40–50km/giờ.
• Khi xe đang đứng yên, túi khí có thể không hoạt động nếu xảy ra va chạm lệch tâm hoặc dưới một góc, ngay cả khi tốc độ va chạm cao hơn so với trường hợp mô tả ở trên.
• Khi xe đang di chuyển ở tốc độ 30–35km/giờ, túi khí có thể không hoạt động khi va chạm với cây nhỏ hoặc vật di chuyển.
• Túi khí có thể không hoạt động trong trường hợp xe va chạm với lực hướng xuống phía dưới như trong va chạm với gầm xe tải.

Tác dụng phụ của túi khí: Bạn cần biết rằng thời gian túi khí phồng lên cực nhanh với tốc độ hơn 100km/giờ. Túi khí cho người lái sẽ bung ra với một lực rất mạnh, có thể gây tử vong hoặc chấn thương. Nghiêm trọng nhất là khi người lái ngồi quá gần túi khí. Vùng nguy hiểm của túi khí người lái là trong phạm vi từ 50–75mm. Vì vậy, bạn nên ngồi cách xa túi khí khoảng là 250mm để đảm bảo an toàn (khoảng cách này được đo từ tâm của vô lăng  tới xương ngực của người lái).

Túi khí xe hơi có cần bảo dưỡng?

Túi khí SRS là hệ thống điều khiển bằng điện tử, không cần phải kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra xe khi có các dấu hiệu sau:
• Đèn báo hệ thống túi khí SRS trên táp-lô không sáng, sáng mà không tắt hay sáng khi đang lái xe.
• Phần mặt của vô lăng hay nắp che túi khí bị nứt hay hỏng. Xe bị tai nạn phần trước.
• Khi túi khí đã hoạt động, hệ thống túi khí cần được kiểm tra và thay thế.

XE MÀU TRẮNG CÓ ĐỘ AN TOÀN CAO NHẤT

tui khi xe hoi hinh anh 04Nhiều người lúc mua xe thường cân nhắc giá cả, tính năng, còn màu sắc lại thích chọn màu khó bẩn hoặc sang và đẹp. Tuy vậy, có thể bạn không biết rằng màu sắc của xe có mối quan hệ đến độ an toàn khi điều khiển. Màu trắng có độ an toàn cao nhất. Tỷ lệ xảy ra sự cố ở xe màu đen là cao nhất và xe màu trắng là thấp nhất.

Các màu sắc khác được xếp theo tỷ lệ sự cố từ cao đến thấp lần lượt là: màu xanh lá, nâu, đỏ, lam và bạc. Theo cuộc điều tra về tai nạn giao thông của Nhật Bản và Hoa Kỳ cho thấy: vào ban ngày, tỷ lệ xe màu đen gặp sự cố cao hơn xe màu trắng 12%, vào ban đêm và sáng sớm thì con số này lên đến 47%. Điều này có thể liên quan đến việc xe màu trắng có xác suất phản xạ với tia sáng cao, dễ nhận biết.

Đầu tiên nói về độ sáng của màu sắc: Màu sắc có độ sáng cao thuộc nhóm màu nóng, gồm đỏ, vàng, trắng… Màu sắc có độ sáng thấp hơn thuộc nhóm màu lạnh, gồm màu lam, xanh lá, đen… “Độ giãn nở” của màu nóng thường cao, khiến thể tích của vật thể mang màu này sẽ cho người nhìn cảm quan có vẻ rộng lớn hơn.

Ví dụ xe màu đỏ và vàng nhìn vào sẽ có khoảng cách gần hơn với người quan sát, trong khi màu lam và xanh lá cho cảm giác khoảng cách xa hơn. Do đó, khi nhìn xe có màu lạnh, người ta thường cảm thấy nó đang ở xa trong khi thực tế khoảng cách này đã bị làm lệch đi, nên dễ xảy ra tai nạn. Thứ hai là độ phản quang của màu nóng mạnh hơn so với màu lạnh, vì vậy vào ban đêm, những chiếc xe có màu nóng dễ được các tài xế chú ý.

Bài viết có sự tư vấn từ chuyên gia của otosaigon.com

Mục Xe hơi / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua