Khoảng 20 năm trước, trong phần thi ứng xử cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, một thí sinh đã trả lời rất mạch lạc trôi chảy khi hình dung con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong tương lai sẽ chuyển mình thành một dòng sông đẹp giữa lòng thành phố. “Bức tranh” cô ấy “vẽ” ra thật sự là quá đẹp đến mức khó tin!
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tổng chiều dài gần 9km, bắt nguồn từ đường Hoàng Việt, P. 4, Q. Tân Bình và kết thúc tại cửa Ba Son, đổ ra sông Sài Gòn. Mọi người từng mặc định đây là dòng kênh chết, vì vậy mà khi nghe câu trả lời của cô thí sinh hoa hậu, không ít khán giả cho rằng đó là mơ mộng hão huyền. Thế nhưng, giấc mơ tưởng như vô cùng xa vời ấy đang trở thành sự thật và sức sống mới ngày càng lan tỏa trên khắp dòng kênh xanh.
KHÔNG CÒN CHE MŨI KHI ĐI NGANG
Đó là nhận xét của cô Lê Thị Hoa, đang sống tại P. 17, Q. Phú Nhuận, một trong những địa bàn mà dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chảy qua. Nhìn dòng kênh hiện tại, cô không khỏi so sánh với trước kia: “Ngày ấy, dòng kênh đen ngòm, hai bên bờ đầy rác, xà bần, ống tiêm, bao ni-lông… Mùa mưa cũng như mùa nắng, dòng kênh bốc lên một mùi hôi nồng nặc. Vài năm trở lại đây, tình hình cải thiện rất đáng kể. Tôi thấy mặt nước trong xanh như mấy cái hồ thiên nhiên vậy. Dọc bờ kênh được trồng thêm các loại cây xanh, mát mẻ vô cùng”. Thạc sỹ Hồng Kim Thanh, Viện Sinh học Nhiệt đới, cho biết: “Đều đặn hàng năm, thành phố sẽ lấy mẫu nước thử, nạo vét kênh, tạo tiểu cảnh và trồng cây…
Đặc biệt, từ năm 2014, các cơ quan chức năng lấy mẫu nước của kênh đến 12 lần trong năm để xét nghiệm. Các thông số như nhiệt độ, độ pH, lượng kim loại nặng, rác đọng dưới đáy… luôn phải đảm bảo dưới hoặc bằng ngưỡng cho phép. Lượng rác dưới dòng kênh giảm khoảng 20% mỗi năm, mức độ ô nhiễm cũng giảm đáng kể vì chúng ta biết vận dụng triều lên xuống của sông Sài Gòn, giúp lọc sạch nước dòng kênh. Từ tháng 7–2012, trạm bơm đầu tiên của kênh đặt tại số 10 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh đã đi vào hoạt động, giúp cải thiện “sức khỏe” của dòng kênh”.
CÁ TÔM BƠI LỘI DƯỚI DÒNG NƯỚC
Từ những năm 2010, chiến dịch thả cá cải tạo lòng kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè được tiến hành đều đặn tại các quận ven kênh. Theo số liệu của phòng Tài nguyên và Môi trường quận 3, chỉ tính trên địa bàn quận đã thả hơn 2 tấn cá các loại xuống kênh. Tính toàn thành phố đã có hàng trăm tấn cá được thả xuống để hưởng ứng các chiến dịch như Ngày hội thả cá bảo vệ môi trường, Thả cá giúp xanh hóa dòng kênh, Ngày môi trường thế giới 5–6 hay các đợt thả cá phóng sinh…
Vào các buổi sáng sớm hay chiều tối, người dân sống hai bên bờ thường rủ nhau ra bờ kênh xem cá, ngắm cảnh. Từng đàn cá tung tăng trong tiếng reo vui của mọi người khiến bờ kênh trở nên rộn ràng. “Có những hôm trời mưa, nước đổ từ sông Sài Gòn về đem theo cả ba ba, cua, rùa, lươn, rắn… Sinh sống ở thành phố từ nhỏ, chứng kiến được cảnh này làm tôi liên tưởng đến một vùng quê Nam bộ nào đó. Nhiều lúc tâm trạng không vui, chỉ cần ra nhìn đàn cá bơi lội dưới dòng nước lăn tăn gợn sóng cũng khiến tôi thoải mái hơn”, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, một cư dân bên bờ kênh, chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. HCM, nhấn mạnh: “Cá sinh sống dưới lòng kênh không chỉ giúp cải tạo mỹ quan đô thị mà còn góp phần làm sạch dòng nước. Hình ảnh những chú cá bơi lội sẽ nhắc nhở người dân ý thức bảo vệ môi trường cách tốt nhất”.
DỊCH VỤ VUI CHƠI NỞ RỘ TRÊN DÒNG KÊNH
Từ ngày được “thay áo mới”, trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi cũng như thể dục thể thao do người dân và chính quyền địa phương tổ chức. Trong đó phải kể đến chiến dịch bơi lội dưới kênh Nhiêu Lộc để kêu gọi người dân ngừng xả rác, giải đua thuyền hay chạy marathon dọc bờ kênh để ủng hộ môi trường…
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 60 chiếc máy tập các loại (bụng, chạy bộ, eo, tay…) được lắp đặt dọc bờ kênh. Những ngày gần đây, người dân sống gần kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến hàng chục chiếc xuồng với hai màu trắng – xanh dương lướt trên dòng kênh. Đó là tour du lịch trải nghiệm dọc bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè do Sở Du lịch phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP. HCM tổ chức.
Đại diện Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cho biết: “Tour du lịch trải nghiệm kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hoạt động từ ngày 1–9–2015. Có mười chiếc thuyền phụng với sức chứa 2–6 khách, được trang bị mái che, áo phao và một người chèo cũng là thuyết minh viên phục vụ khách. Ngoài ra còn có hai chiếc thuyền chống sào cỡ lớn với sức chứa tối đa hai mươi người”. Vào những đêm trăng thanh gió mát, tour Nhiêu Lộc – Thị Nghè còn có các hoạt động văn hóa như trà đạo, đờn ca tài tử, uống cà-phê và ngắm cảnh Sài Gòn về đêm… “Tôi thấy tour tham quan này rất ý nghĩa, giúp cho cư dân thành phố có thêm một điểm vui chơi mới. Ngồi trên ghe ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng, đưa tay chạm vào những chú cá đang bơi lội thật là thích thú. Thay vì đi mấy chục cây số xuống khu du lịch Bò Cạp Vàng ở Đồng Nai thì giờ đây bạn có thể trải nghiệm cảm giác sinh thái ấy ngay tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè”, chị Hồ Mỹ Xuân, một khách tham quan, hào hứng chia sẻ.
NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG VỀ KÊNH NHIÊU LỘC – THỊ NGHÈ
• 20 là tổng số năm tiến hành dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 1 (1993 – 2015) với tổng chi phí đầu tư 8.600 tỷ đồng. Trên 7.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu bắt buộc phải di dời và giải tỏa. Công trình giúp cải tạo môi trường sống cho hơn 1,2 triệu dân của 7 quận.
• 260.000m³ bùn đất đã được vét lên từ lòng kênh tính đến thời điểm hiện tại. Mỗi ngày có từ 7 đến 13 (thậm chí 15) tấn rác vớt được từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
• 30 là số ngày lao động công ích bắt buộc (nhặt rác dọc bờ kênh) đối với những đơn vị, cá nhân xả rác ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Bên cạnh đó, người vi phạm vẫn phải nộp tiền phạt.
• 18km là tổng số chiều dài mà chàng trai “swimming man” Trần Việt Anh đã bơi dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mang theo một bảng hiệu “Nhiêu Lộc xanh – sao đành vứt rác” để cổ động cho chiến dịch bảo vệ môi trường.
• 470 triệu đô-la Mỹ là số tiền dùng để đầu tư cho việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn hai (2015 – 2019).
• 8,7km là chiều dài tuyến đường dọc bờ kênh, được đặt tên là Hoàng Sa, Trường Sa. Bờ kênh có các cụm công viên nhỏ với ghế đá, tiểu cảnh, máy tập thể dục đa chức năng. Tại đoạn chảy qua P. 2, Q. Phú Nhuận, có đặt một trạm cứu hộ với hàng chục ca-nô, xe tải trang bị cần cẩu chuyên dụng…
TOUR NHIÊU LỘC – THỊ NGHÈ
Các địa điểm bán vé của tour được bố trí tại hai bến cảng (quận 1 trên đường Hoàng Sa, cạnh chân cầu Thị Nghè và quận 3, trên đường Hoàng Sa, gần chùa Chantaransay). Giá vé khoảng 220.000 đồng/khách, thời gian tham quan khoảng 1 tiếng. Tour được mở thường xuyên trong tuần với hai dịch vụ du lịch cá thể hoặc theo đoàn. Bạn có thể liên hệ số điện thoại (08) 3911 8987, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, đơn vị khai thác tuyến du lịch này, để có thêm thông tin.
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình