Khi làm việc trong tập thể, sự xung đột sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với đồng nghiệp hoặc cấp trên khiến cho bạn cảm thấy ức chế mỗi khi gặp mặt. Tiếp Thị Gia Đình sẽ mách bạn một số cách làm thế nào để tránh rơi vào trạng thái tiêu cực này khi làm việc với người mình không thích.
CHẤP NHẬN THỰC TẾ
Xung đột là kết quả của sự khác biệt về các giá trị mà mỗi người đề cao. Người mà bạn không thích, về cơ bản, không hẳn là người xấu. Nguyên nhân khiến bạn không yêu mến họ là bởi cách nhìn nhận khác nhau về các giá trị trong công việc và cuộc sống. Khi bạn chấp nhận được thực tế luôn có người không thích mình và ngược lại, cảm xúc cá nhân sẽ không dễ dàng gây tác động xấu đến tình huống hiện tại nữa.
PHỐI HỢP ĂN Ý
Robert Sutton, giáo sư ngành khoa học quản lý Đại học Stanford cho biết, bạn cần những ý kiến khác nhau để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Phối hợp ăn ý khi làm việc với người mình không thích là một thử thách khó khăn, nhưng khi đặt hiệu quả công việc lên trên cảm xúc cá nhân, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
KIỂM SOÁT CƠN GIẬN
Cho dù cảm xúc giận dữ của bạn có tệ đến thế nào, bạn cũng cần cư xử hòa nhã khi làm việc với người mình không thích. Nếu bạn nổi nóng, to tiếng mà không hề bận tâm đến lòng tự tôn của họ, đến một lúc nào đó, người khác cũng có thể sẽ cư xử với bạn hệt như thế.
TỰ NHÌN NHẬN
Muốn một ngày làm việc không bị xáo trộn, bạn cần kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Thay vì để ý đến những chuyện khó chịu khi làm việc với người mình không thích, bạn nên tự nhìn nhận lại bản thân để có những điều chỉnh phù hợp. Hãy luôn nhớ: Điều chỉnh suy nghĩ và hành xử của bạn sẽ dễ hơn là yêu cầu người khác thay đổi như bạn mong muốn.
ĐỪNG KỲ VỌNG QUÁ NHIỀU
“Người ta có những nét tính cách cố hữu xác định cách hành xử của họ”, Alan A. Cavaiola (giáo sư tâm lý Đại học Monmouth, Mỹ) chia sẻ. Đừng kỳ vọng quá nhiều rằng người khác sẽ làm đúng ý bạn. Bằng cách này, bạn sẽ có sự chuẩn bị về tâm lý khi làm việc với người mình không thích.
HÃY LÊN TIẾNG
Hãy thẳng thắn trình bày suy nghĩ của bạn khi cả hai đã bình tĩnh. Đừng nói theo kiểu buộc tội, bạn cần chọn cách diễn đạt từ tốn nhất có thể. Thật ra, đối phương cũng rất muốn biết cảm nhận của bạn về chính họ đấy.
GIỮ KHOẢNG CÁCH
Một chút khoảng cách cùng sự cảm thông cho đối phương sẽ giúp bạn có thể tiếp tục công việc và duy trì mối quan hệ ở trạng thái ôn hòa. Tất nhiên, bạn sẽ thoải mái hơn nếu người bạn không thích… biến mất luôn. Hãy giữ ý tưởng thú vị ấy như một cách giải tỏa cơn giận thôi nhé.
CÙNG HÍT THỞ THẬT SÂU NÀO!
Theo chuyên gia tư vấn xung đột Kathleen Bartle (Mỹ), khi làm việc với người mình không thích nếu bạn biết cách ngăn không cho cơn giận nổi lên, bạn có thể tiếp tục cuộc đối thoại mà không phán xét. Một hơi thở thật sâu cũng có tác dụng giúp bạn bình tĩnh và ngăn chặn những phản ứng thiếu kiểm soát. Hãy thử liệu pháp tâm lý này trước khi xung đột có cơ hội bùng nổ.
THẢO VIÊN
Mục Công sở/Tiếp Thị Gia Đình