Thú vị cà-phê trong hẻm và chung cư

Dù không nằm ở mặt tiền đường nhưng một quán cà-phê trong hẻm cũng sở hữu nhiều nét riêng ấn tượng cũng có thể trở thành điểm thu hút

Có không ít quán cà-phê được nhiều người biết bởi tọa lạc ở những địa điểm độc như trên chung cư (cà-phê Loft, Gabi, You…) hoặc trong hẻm hơi khó tìm như càphê Tượng, Bóng đèn… Vậy bí quyết để các quán cà-phê trong hẻm này thu hút khách là gì?

CHỌN ĐỊA ĐIỂM THEO ĐẶC THÙ CỦA QUÁN

Khi được hỏi về “gu” chọn quán cà-phê, bạn Huỳnh Thị Thùy Vy, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP. HCM, chia sẻ: “Khi muốn đi cà-phê để họp hay làm bài, mình chọn quán dựa trên bốn tiêu chí là yên tĩnh, Wi-Fi mạnh, đồ uống ngon và phục vụ thân thiện, còn nếu đi chơi thì quán có view đẹp là một lợi thế”. Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, chủ quán cà-phê Tượng (152/9 hẻm Thành Thái, P. 12, Q. 10, TP. HCM), cho biết: “Khi quyết định chọn địa điểm để kinh doanh, phải suy nghĩ nhiều yếu tố. Thứ nhất là trong bán kính khu vực có loại hình kinh doanh giống mình chưa? Thứ hai là giao thông có thuận lợi không? Thứ ba là phải lưu ý chỗ để xe, xác định lượng khách tối đa để xem có đáp ứng chỗ để xe cho khách được không? Chọn vị trí quán trong hẻm sẽ có lợi thế không khí yên tĩnh, nhiều không gian để thiết kế, sắp xếp chỗ để xe. Hẻm cụt khuất tầm nhìn nhưng trong thời đại công nghệ thông tin không phải là điều đáng ngại bởi có Facebook, Internet, Google Map chỉ đường.

Tùy theo đặc thù của quán mà chọn địa điểm cho phù hợp. Ví dụ như quán bán đồ ăn sáng, cà-phê dạng mang đi thì ở mặt tiền đường sẽ thuận lợi hơn. Còn những quán cà-phê nghe nhạc cần sự yên tĩnh, không có dòng chảy người đi qua, không có tiếng xe cộ ồn ào”. Nói về lý do chọn địa điểm quán trên chung cư Lý Tự Trọng và dự định sẽ mở thêm chi nhánh thứ hai cũng ở trên chung cư góc Nguyễn Du – Pasteur, Lê Nguyễn Phương Anh, giám đốc điều hành của Loft Café (chung cư 26 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM), mong muốn khách sẽ có một cảm giác lạ hơn khi có thể ngắm nhìn cảnh quan thành phố. “Bản thân chữ Loft là căn gác, quán trên cao sẽ cho khách hàng có tầm nhìn rộng hơn, ngắm nhìn thành phố trên cao luôn đẹp hơn ở thấp. Quán đã tận dụng trục đường đẹp, phong cách cổ kính của chung cư tạo cơ hội cho khách chiêm ngưỡng thành phố nên được mọi người ủng hộ rất nhiều”, chị Phương Anh giải thích.

Ca-phe trong hem hinh anh 1

Loft tận dụng phong cách cổ kính của chung cư

Ca-phe trong hem hinh anh 2

Quán trên cao cho khách có tầm nhìn rộng hơn

Ca-phe trong hem hinh anh 3

Chiếc đồng hồ lớn không đụng hàng là điểm nhấn đặc biệt của Loft

Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, bộc bạch: “Mình không kén chọn lắm, chỉ cần quán có Wi-Fi mạnh, nước ngon là mình sẽ đến. Mình thích quán trên chung cư vì nó tạo cảm giác mình có không gian riêng tư như đang ở nhà”. Còn nhạc sỹ Đặng Được, ở TP. HCM, thích những quán cà-phê trong hẻm hoặc chung cư vì: “Tôi thích quang cảnh trên cao, không ồn ào như những quán mở mặt tiền đường, đầu óc được thư giãn, mở rộng tầm nhìn”.

HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG

Đối với các quán cà-phê trong hẻm hay trên chung cư, cách quảng cáo hiệu quả nhất chính là qua lời truyền miệng của khách hàng. Để có được sự “quảng cáo miễn phí” này, các quán luôn phải đổi mới và có nhiều chương trình thú vị dành cho khách hàng. Nhiều quán tổ chức làm bánh, thi ca hát, đêm nhạc… Như cà-phê Tượng đã lập kỷ lục số lượng người tham gia biểu diễn trống cajon lớn nhất Việt Nam.

Ca-phe trong hem hinh anh 4

Cách thiết kế, trang trí độc đáo ở quán cà-phê Tượng

Loft hiện là một trong những quán cà-phê chung cư sở hữu lượng “fan” lớn nhất. “Điều gì đặc biệt ở Loft khiến các bạn có thể bỏ công leo cầu thang lên quán? Thức ăn thức uống phải ngon, nhân viên được đãi ngộ tốt để tạo ấn tượng tốt về quán. Ở Loft ưu tiên tuyển dụng những bạn nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, không chú trọng câu hỏi có kinh nghiệm hay không mà là có yêu thích công việc không. Tạo sự riêng biệt trong thiết kế cũng là điều rất quan trọng. Nhiều bạn đến quán vì phong cách thiết kế độc đáo, đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn không quán nào có. Chiếc đồng hồ này có thể nhìn thấy rất rõ khi bạn đứng ở dưới đường khiến người ta tò mò tìm đến. Mức giá phải hợp lý, thực đơn đa dạng và luôn đổi mới, các sự kiện cũng phải tạo nên phong cách chung của quán”, chị Phương Anh phân tích.

Ca-phe trong hem hinh anh 5

Không gian bên ngoài quán Tượng cũng được chăm chút bắt mắt

Ca-phe trong hem hinh anh 7

Sân khấu trong quán Tượng

NHỮNG LƯU Ý KHI MỞ QUÁN

Kiến trúc sư Thanh Truyền nhấn mạnh: “Chu trình một quán cà-phê theo kinh nghiệm của mình là 3–5 năm, nếu không chịu thay đổi làm mới mình trong mắt khách sẽ khó phát triển. Phải khảo sát kỹ trước khi mở quán, không chỉ mở quán để thỏa mãn đam mê thiết kế. Người ta có thể uống cà-phê giá 30.000 đồng ở nơi này, nhưng nơi khác người ta chỉ muốn chi 10.000 đồng trong khi tiền điện, tiền trả cho nhân viên giống nhau. Nếu không khảo sát kỹ địa điểm sẽ không thể hoàn vốn. Phải xác lập ngay từ đầu đối tượng khách hàng là ai, sau đó mới xác định vốn đầu tư và chọn vật liệu xây dựng nào phù hợp với số vốn đó. Để ý đến những chuyện nhỏ như phòng vệ sinh, chỗ để xe cho khách để khách cảm thấy thoải mái sẽ ghé lại quán lần sau”.

“Khi mở quán ở trên chung cư, bạn có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ như cà-phê chung cư không được mở 24/24, chỉ mở đến 11 giờ đêm, chú ý về tiếng ồn. Nếu có sự kiện đặc biệt phải báo cho quản lý chung cư trước để có thể về trễ hơn. Chung cư tạo cảm giác hoài cổ thú vị, nhưng cơ sở điện, nước đã cũ, tốn nhiều chi phí để sửa hơn. Trước khi thuê địa điểm phải quan sát có bao nhiêu bãi giữ xe, bãi giữ xe hết giờ vào lúc nào. Có thể chịu thêm chi phí chuyển xe sang bãi khác cho khách hàng”, chị Phương Anh lưu ý.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua