Mùa Giáng sinh năm nào cũng vậy, ngập tràn trên các diễn đàn, mạng xã hội là những bức thư ngỏ, lời kêu gọi ủng hộ của những chương trình thiện nguyện mùa Noel. Ngoài việc chia sẻ tình thương và sự khích lệ cho những mảnh đời kém may mắn, các vòng tay thiện nguyện còn gieo vào tâm hồn trẻ thơ niềm tin trong trẻo, đáng yêu rằng ông già Noël đi tặng quà cho trẻ nhỏ ở muôn nơi là có thật. Nếu chăm ngoan, các bé sẽ được gặp ông già Noël vào năm kế tiếp.
CẤT TIẾNG HÁT ĐỂ SẺ CHIA
Chúng tôi theo chân chị Khánh Nguyên, ở P. 8, Q. 3, TP. HCM, tới nơi tụ họp của nhóm âm nhạc và thiện nguyện Lumen (theo tiếng La-tinh là Ánh Sáng) lúc 7 giờ 45 tối. Điểm đến là một quán cà-phê xinh xắn. Đúng 8 giờ tối, 32 thành viên trong nhóm tề tựu đầy đủ. Một thành viên ngồi vào đàn, ca trưởng Bửu Nguyễn lên điều hành và tất cả cùng thả hồn theo những ca khúc Giáng sinh.
Đây là lần thứ ba Lumen đem tiếng hát đi làm thiện nguyện mùa Noel phục vụ tại các nhà thờ và cộng đồng như một lời chúc an lành tới tất cả mọi người trong mùa hảo vọng. Ngoài hát phục vụ cộng đồng, Lumen còn hát theo hợp đồng của các nhà thờ, hệ thống Coffee Bean, Thị trấn Ba Cây Chổi (Q. 3) và mạnh dạn thuê hẳn quán cà-phê Pergola (Phú Nhuận) để bán vé cho khách. Tất cả tiền thu được từ đêm nhạc và việc bán đồ handmade tại các đêm diễn đều được dành vào quỹ từ thiện. Chị Khánh Nguyên chia sẻ: “Mình là người ngoại đạo nhưng thích hát và rất thích những ca khúc Giáng sinh nên gia nhập Lumen từ năm đầu tiên”.
Chị Trần Phương Quyên, gắn bó với nhóm từ năm đầu thành lập, khoe: “Dịp Giáng sinh là thời điểm Lumen đi hát… kiếm tiền. Năm ngoái, Lumen đã cất tiếng hát trong 12 chương trình và thu được gần 40 triệu đồng. Sau Giáng sinh, chúng tôi mới tìm đến các mái ấm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, các vùng dân tộc thiểu số thực sự cần giúp đỡ để thực hiện các chuyến từ thiện”.
Thành lập từ năm 2013, nhóm ca Lumen mang lại không khí Giáng sinh cho giáo dân ở những địa bàn khó khăn, cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại các mái ấm, vùng dân tộc thiểu số.
CHẠM TỚI MUÔN NƠI
Đó là tên gọi của chuỗi các hoạt động hướng tới trẻ em tự kỷ, khuyết tật, vô gia cư được các thành viên của dự án thiện nguyện “Chạm” cùng nhau thực hiện trong tháng Giáng sinh. Với các thành viên của nhà “Chạm”, Giáng sinh gõ cửa từ rất sớm. Ngay từ tháng 11, các thành viên đã lên danh sách hơn 10 địa điểm thiện nguyện, đi khảo sát và lên kế hoạch hoạt động. Với thế mạnh dạy âm nhạc và mỹ thuật, Chạm sẽ mang Giáng sinh đến cho các em nhỏ qua những bài hát, bức tranh, màn kịch vui, dạy các em làm những món đồ trang trí Noël như người tuyết, cây thông…
Đặc biệt, ngày 20–12, “Chạm” tổ chức chương trình Giáng sinh chính ở làng trẻ Hữu Nghị. Ở đó, những ông già, bà già Noël tuổi đôi mươi sẽ trao tận tay các em nhỏ bánh kẹo, đồ dùng học tập, những tấm thiệp, đồ chơi handmade xinh xắn… Trong tiếng nhạc ngân vang, mọi người cùng nắm tay nhau hát múa. “Tiêu chí chương trình của “Chạm” là gọn nhẹ nhưng thật nhiều niềm vui. Tất cả nhằm giúp các em xích lại gần nhau hơn và hiểu rằng các em không cô độc trên cuộc đời này, nhất là trong không khí Giáng sinh đang cận kề”, Dương Hồng Nhung, trưởng ban điều hành “Chạm”, bày tỏ.
ĐÔNG ẤM CHO TRẺ VÙNG CAO
Tháng 11 vừa qua, đội sinh viên làm công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội đã có chuyến đi tiền trạm thực tế tại xóm Khuổi Khâu, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. “Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là điểm trường Khuổi Khâu. Tại đây vẫn còn thiếu thốn rất nhiều thứ, nước sạch khan hiếm. Mùa đông, học sinh phải xách nước đổ vào bể tích trữ giữa cái lạnh 5–6 độ C. Điểm đến tiếp theo là những hộ dân tại xóm Khuổi Khâu.
Theo lời kể của các anh bộ đội biên phòng và chị bí thư Đoàn thanh niên xã, xóm này “không nhà nào nghèo hơn nhà nào” vì nhà nào cũng nghèo. Các căn nhà được xây dựng bằng cách ghép những tấm gỗ đẽo gọt tạm bợ, có những lỗ thủng bàn tay người đưa qua được. Khi mưa đến, nền đất ngấm nước nhão, trơn như đổ mỡ. Nơi đây đất đai khắc nghiệt tới mức ngô, khoai cũng khó sinh trưởng. Người dân sống tại đây là người Mông, nghe hiểu tiếng phổ thông rất kém.
Chúng tôi có lẽ đã không thể giao tiếp được với họ nếu như không có sự giúp đỡ từ phía anh bộ đội làm công tác vận động quần chúng. Hai ngày sinh hoạt thực tế với bà con dân bản để lại trong chúng tôi ấn tượng về cái nghèo, về sự tạm bợ, về nét lam lũ khắc khổ hằn lên gương mặt, những ánh mắt trẻ thơ ngây ngô, lấm lem và nụ cười bừng sáng trong nắng giữa rừng núi Cao Bằng. Họ còn để lại trong chúng tôi nỗi day dứt, băn khoăn, với một câu hỏi: “Làm thế nào để giúp người dân nơi đây?”, Trịnh Hương Ly, Đội trưởng đội sinh viên, nhớ lại.
Đông ấm Cao Bằng là một hoạt động thiện nguyện mùa noel nằm trong chương trình phối hợp hoạt động giữa Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn Hà Nội và Đoàn thanh niên đồn biên phòng Cốc Pàng, diễn ra vào các ngày 18 đến 20–12. Chúng tôi gặp Hương Ly khi chương trình phát động quyên góp bắt đầu được hơn một tuần. Đang là thời điểm thi cử nhưng cả đội vẫn tranh thủ xin tài trợ, bán đồ handmade gây quỹ, quyên góp đồ cũ… Họ còn tự tay đan 80 chiếc khăn len. “Các em nhỏ ở vùng cao chưa bao giờ biết Giáng sinh là gì. Chúng tôi muốn tặng những chiếc khăn ấm và tổ chức một đêm văn nghệ để đem không khí ấm áp của ngày lễ này tới các em”, Hương Ly nói.
Liên hệ ủng hộ các hoạt động thiện nguyện mùa Noel
• Đội sinh viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, Facebook: Đội công tác xã hội Nhân văn
• Dự án thiện nguyện Chạm: https://www.facebook.com/cham
• Nhóm Lumen: https://vi-vn.facebook.com/Lumenchoirvn
Bài: THU HÀ – THIÊN MINH
Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình