Chị đứng nhìn những hàng thanh long thẳng tắp. Trên những dây xanh mướt là những quả căng tròn, đỏ tươi, vươn dài kiêu hãnh đón nắng. Vậy là chúng đã chín, có xót mấy, rẻ mấy cũng phải gọi người cắt bán chứ không chờ được nữa. Chị biết nếu để sang ngày mai chúng sẽ nứt và xuống màu, khi ấy chỉ còn nước cắt đổ như bà Chín hàng xóm. Hôm qua, bà Chín than vãn ở chợ rằng thanh long không bán được. Nghe mà buồn quá. Mấy tháng trời bỏ công chăm sóc giờ bán rẻ như cho. Mấy ngày nay chị im lặng, cố không nói gì vì sợ nói ra lại không kiềm chế được mà to tiếng với anh. Thành ra trong nhà vốn đã đìu hiu lại càng im ắng hơn.
Chị bỗng nhớ lại ngày đầu theo má ra vườn làm thanh long.
Đó là một buổi sáng đẹp trời sau lễ cưới hai tháng mười một ngày và sau khi về nhà chồng làm dâu được một ngày. Trong khi chờ tìm việc, chị giúp má chăm sóc vườn thanh long. Vốn là con nhà khá giả, lại ở thị trấn nên miền quê với chị chỉ là nơi để thăm thú, ở chơi dăm bữa thay đổi không khí chứ không nghĩ tới chuyện sống và làm việc như một nông dân.
Sau buổi sáng nhổ cỏ, chân tay chị bị gai thanh long cào rách nhiều đường tứa máu. Tối, chị khóc vì buồn và bất lực với bản thân. Chị nhớ Sài Gòn, nhớ không khí ồn ào náo nhiệt, nhớ cảnh kẹt xe nhích từng tí một mỗi chiều đi làm về và nhớ lũ bạn. Anh vừa chúi mũi vào đống hồ sơ vừa càu nhàu:
– Bị gai cào có xíu cũng khóc, nhõng nhẽo hơn con nít.
Chị không đáp, cứ nằm thút thít, một lúc sau mới cáu:
– Mai em đi xin việc.
– Anh lo được. Em ở nhà phụ má làm thanh long đi.
Chị hụt hẫng xiết bao khi nghe câu nói có phần ra lệnh của anh. “Lo được”, thanh âm của hai tiếng đó đập vào màng nhĩ chát chúa. Chị đưa ánh mắt vừa căm giận vừa hờn trách nhìn anh, nhưng anh chẳng thèm nhìn chị mà còn mải miết với đống hồ sơ. Chị nuốt nỗi căm hận vào lòng và lên giường nằm lặng lẽ khóc. Nỗi thất vọng chán chường tỏa khắp cơ thể khiến chị mềm rũ ra như bông hoa tới thời khắc tàn cánh. Chị đau đớn vì bất lực. Một cô gái vừa thông minh, xinh đẹp, năng nổ như chị giờ phải sống cuộc sống tù túng thì còn gì đau xót hơn.
Đôi ba lần khi ngôi nhà đã chìm trong đêm, chị muốn ngồi dậy sửa soạn đồ đạc và lặng lẽ bỏ đi, nhưng khi nhìn khuôn mặt của anh, chị lại khóc. Chị còn yêu anh quá. Ngay lúc này đây khi nhìn anh say ngủ, chị vẫn còn vẹn nguyên cảm giác như lần đầu tiên gặp anh.
Ngày đó, chị làm PR cho một công ty truyền thông, đầy tự tin và khát vọng khẳng định mình, còn anh chỉ là một công chức ở quê. Chị gặp anh trong một chương trình từ thiện do công ty tổ chức. Ngay lần đầu gặp mặt, chị đã cảm mến anh bởi ánh mắt ấm áp dành cho chị. Từ giây phút ấy, chị biết cuộc đời của mình sẽ gắn kết với anh.
Cái gì đến rồi sẽ đến. Một đám cưới diễn ra. Rồi chị bắt đầu khóc vì những điều “đơn giản” trước khi cưới. Điều đơn giản đầu tiên là khoảng cách. Chị làm ở Sài Gòn còn anh làm dưới quê, cách nhau hơn hai trăm cây số. Cả tháng anh mới vào với chị được hai ngày. Điều thứ hai là lựa chọn. Chị phải chọn giữa anh và công việc. Cuối cùng chị chọn anh sau hai tháng giận dỗi, một trận cãi nhau kịch liệt và nhiều đêm không ngủ.
Theo anh lên chuyến xe về miền đất của nắng và gió, suốt chặng đường chị im lặng. Trong lòng chị dâng trào cơn sóng cảm xúc, lẫn lộn giữa nỗi buồn phải chấm dứt công việc đang tiến triển tốt đẹp, sự bất an về những tháng ngày sắp tới và một chút lo sợ cho cuộc sống làm dâu mà chị sắp bước vào. Tất cả nỗi niềm băn khoăn đó chị không thể nói với anh, vì chị đã lựa chọn anh. Một người bạn nói với chị rằng: “Cuộc đời đơn giản chỉ là những sự lựa chọn nên phải cẩn thận. Một khi đã chọn rồi thì phải có trách nhiệm với nó”.
Từ ngày về làm dâu, làm vợ, chị nhận ra anh khác xa với người đàn ông chị đã yêu. Anh độc đoán, bảo thủ và chị đâm sợ. Sợ phải nói chuyện với anh, sợ ánh mắt anh nhìn và sợ cả những lời nặng nhẹ của anh. Trái tim chị trống rỗng, đơn côi và hàng đêm nó ném vào lồng ngực những nhịp đập gắt gỏng, giận hờn làm cơ thể chị rũ rượi. Những dây thần kinh căng lên phẫn nộ rượt đuổi những giọt nước mắt ra khỏi nơi trú ngụ, khiến chúng chạy dài trên má, thấm đẫm chiếc gối thêu hình chim phượng.
Chị rất muốn buông tay. Chỉ cần buông tay thôi, tất cả đớn đau sẽ tan biến. Chị sẽ lại là cô gái thông minh hoạt bát ngày xưa, nhưng sao khó quá. Chị lại khóc, buồn tủi một mình. Cứ thế này thì sẽ chết trong uất hận mất. Chị muốn nói chuyện với một ai đó, sẻ chia với một ai đó cho vơi bớt, nhưng ở đây chị biết tâm sự với ai. Đành gọi điện cho gã bạn thân. Nó kiên nhẫn nghe chị kể lể rồi nhẹ nhàng hỏi:
– Bà đã nghe câu chuyện về chàng trai cho đi đôi mắt chưa?
Rồi nó điềm đạm kể: Có một chàng trai yêu một cô gái mù. Cô gái chỉ ước ao có thể nhìn được màu xanh của bầu trời mùa xuân. Tình yêu của chàng trai lớn đến nỗi anh quyết định tặng đôi mắt của mình cho người yêu. Sau khi cô gái sáng mắt, cô đã yêu một người con trai khác. Gã bạn kết thúc câu chuyện bằng một câu nói chết lặng tim chị:
– Bà tội nghiệp chàng trai và ghét cô gái phải không? Đa số ai cũng nghĩ vậy. Nhưng, chàng trai đã tự nguyện lựa chọn và rất vui với lựa chọn của mình, nên cô gái không có lỗi. Bà cũng đã lựa chọn và rất vui khi cưới anh ta phải không? Chẳng lẽ bà bỏ cuộc?
Nó nói đúng lắm. Rõ ràng chị đã lựa chọn cuộc sống này, chị phải có trách nhiệm với sự lựa chọn đó. Không thể tiếp tục sống trong chán chường được. Người ta vẫn sống tốt ở đây đấy thôi, chị cũng có thể sống được giống như họ. Làm thanh long thì làm, có gì khó đâu.
Chị bắt đầu dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc thanh long. Chị bắt đầu yêu cái màu trắng tinh khôi của hoa thanh long. Mỗi sáng chị thức dậy khi mặt trời còn chưa ló dạng, dạo quanh vườn để ngắm những bông hoa trắng muốt còn ngậm sương đêm. Chúng như những cô gái quê trong trẻo, thơ ngây, chỉ bung nở khi đêm xuống còn ban ngày thu mình chạy trốn cái nhìn mãnh liệt của mặt trời. Vẻ đẹp hồn nhiên của chúng đủ sức làm tan chảy cả những tâm hồn sắt đá nhất. Và trái tim chị cũng tan chảy… Chị yêu đến mức dành cả ngày ở ngoài vườn để chăm những cái dây xù xì, để mong nhìn thấy màu trắng tinh khiết và ngửi mùi hương dịu nhẹ của chúng khi đêm về. Công sức chị bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Lứa trái năm ấy đẹp lạ kỳ. Má cười hài lòng khi nhận từ tay lái buôn xấp tiền dày cộm.
Kể từ hôm đó má giao cho chị toàn quyền quyết định vườn thanh long. Khuôn mặt má giãn ra nhiều, không còn cau có như trước. Một lần vô tình chị nghe má khen chị khi nói chuyện riêng với anh. Cảm giác tự tin trở về với chị.
Chị ghim nốt những bóng điện cuối cùng vào dây. Má thở hắt ra như cố xua nỗi mệt nhọc tuổi già. Chị dúi cái thùng vào tay má giục:
– Má vào trong đi để đó con làm cho.
Ảnh mà thấy lại rầy nữa.
– Cha bây, đứa nào dám rầy tao? Bây tính thử coi chừng nào đóng điện được.
– Dạ, để coi tối nay trời còn gió không, nếu im gió thì đóng luôn má à.
– Ờ, bây tính sao cho đạt thì làm.
Chị bật cười, giục má lần nữa:
– Má cứ yên tâm vô nhà nghỉ đi. Nhắc giùm con nồi cơm nghen, trời cũng đứng nắng rồi, ông tướng đó sắp về mà chưa có cơm lại nhăn mặt cho coi.
– Ờ, để má nhắc cho, bây làm xíu nữa rồi vô, đừng có ráng nghen.
Chị dạ cho má yên tâm đi vô chứ kỳ thực chị biết còn nhiều công nhiều chuyện đợi chị làm. Chị ngồi xuống, hướng tầm mắt từ dưới nhìn lên những bóng điện xếp nhau nối dài thẳng tắp dọc theo hàng thanh long xanh mướt, hàng nối hàng, ngang dọc chằng chịt quây kín như mạng nhện. Và khi đêm xuống, tấm lưới sẽ rực sáng. Rồi từ những cái dây xù xì, gai nhọn sẽ rụng đi, những chiếc nụ nhú dần lên, một màu trắng tinh khôi bung nở khắp vườn. Một mùa mới lại bắt đầu. Mùa nghịch.
Truyện ngắn NGÂN KIM