Một hình ảnh rất quen thuộc báo hiệu mùa Giáng Sinh về là người lớn, trẻ nhỏ xúm xít làm hang đá, giăng mắc đèn, trang trí cây thông… Có dịp đến thăm một gia đình người Việt đúng vào những ngày đầu tháng 12, anh James, người Mỹ, đã tỏ ra hốt hoảng khi thấy em bé 5 tuổi trong nhà nghịch ngợm quấn dây đèn quanh người. Anh bảo: “Nguy hiểm, nguy hiểm lắm!” rồi thắc mắc sao mọi người không mang găng tay khi trang trí Noel. Vậy nguy hiểm nằm ở đâu?
ĐỦ LOẠI SẢN PHẨM TRANG TRÍ
Thị trường cung cấp đồ trang trí Noel ngày càng phong phú về mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng như chất lượng. Chúng tôi đã khảo sát một vòng quanh các điểm kinh doanh vật dụng trang trí Giáng Sinh năm nay ở TP. HCM. Quen thuộc nhất là các điểm bán tại nhà thờ Tân Định, Q. 1; khu Kỳ Đồng, Q. 3 và một số điểm bán lẻ dọc theo các tuyến đường Q. Bình Thạnh, Q. Phú Nhuận, Q. 1…
Anh Nguyễn Văn Minh, chủ một cửa hàng tại Q. 1, TP. HCM, cho biết: “Mùa Giáng Sinh năm nay, hàng của Việt Nam chiếm đến hơn 90%, có thể kể đến các loại như cây thông Noel, dây đèn chớp, hang đá, dây kim tuyến… Một số loại còn được làm bằng tay rất tỉ mỉ, giá thành hơi cao nhưng rất đẹp. Còn lại là hàng Malaysia, Trung Quốc”.
Nói về giá cả của các mặt hàng trang trí, anh Minh thẳng thắn: “Giá cả luôn đi kèm với chất lượng. Cùng là dây đèn trang trí nhưng có loại giá 200 nghìn đồng, có loại chỉ 25 nghìn đồng”. Anh Minh vừa nói vừa đưa cho chúng tôi xem loại đèn chớp có những bóng nhỏ li ti đựng trong bịch, không ghi tên công ty sản xuất hay nơi xuất xứ.
Khi chúng tôi hỏi về chất lượng của những sản phẩm này, anh Minh cười bảo: “Chắc chắn là rất nhanh hỏng, còn độc hại hay không tôi không dám khẳng định”.
Ngoài đèn nhấp nháy, đáng kể nhất là những trái châu nhiều màu sắc được bày bán tràn lan. Tất cả đều được tháo rời bán lẻ, chất thành đống, người mua không thể xác định đó là hàng sản xuất tại đâu. Giá một trái châu vào khoảng 5.000 đồng trở lên, tùy thuộc vào kích cỡ, màu sắc.
Một sản phẩm khác được nhiều người chọn mua khi làm hang đá hay trang trí nhà là chai xịt tuyết. Qua các điểm khảo sát, chúng tôi thấy loại được bày bán nhiều và rẻ nhất là chai xịt tuyết do Trung Quốc sản xuất có giá 15.000 đồng/chai.
CHỈ QUAN TÂM ĐẾN HÌNH THỨC
Tại một điểm bán hàng ở khu Kỳ Đồng, khi được hỏi về mối quan tâm của người đi mua với chất lượng sản phẩm, một phụ nữ ngoài 40 tuổi tỏ ra vô tư: “Tôi không quan trọng lắm chuyện chất lượng. Vì chỉ là đồ trang trí Noel cho nên yếu tố đầu tiên là phải thật đẹp mắt. Đồ chơi thôi mà, chơi xong một mùa là vứt, sang năm lại mua cái khác đẹp hơn nên không nhất thiết phải bền”.
Khi được hỏi “Chị có nghe nói về nguy cơ độc hại của những sản phẩm trang trí Giáng Sinh rẻ tiền mà nhiều nước trên thế giới đã cảnh báo không?”, chị Nguyễn Ngọc Hạnh, một người buôn bán mỹ phẩm, hồn nhiên: “Tôi cũng có nghe nói nhưng mình có ăn vào người đâu mà sợ”. Câu trả lời của những khách hàng nói trên đã lý giải vì sao những sản phẩm trang trí kém chất lượng vẫn tồn tại và bán chạy trên thị trường.
CÁC CHẤT ĐỘC HẠI TỪ ĐỒ TRANG TRÍ NOEL CÓ THỂ VÀO CƠ THỂ
Trao đổi với chúng tôi về tính an toàn của những sản phẩm trang trí dùng cho lễ Giáng Sinh, tiến sỹ Huỳnh Khánh Duy, khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa TP. HCM, cho biết: Chì được tìm thấy không phải trong đèn trang trí Giáng sinh mà là trong lớp nhựa PVC bao phủ bên ngoài lớp cách điện của dây dẫn dùng để kết nối các đèn nhỏ lại với nhau. Mục đích của việc sử dụng chì là tạo ra lớp bao phủ bằng PVC bền với nhiệt, ánh sáng và độ ẩm. Trong quá trình sử dụng đèn trang trí, chì có thể đi vào cơ thể thông qua tiếp xúc bằng tay rồi từ tay đi vào miệng do vệ sinh không tốt.
Nếu đèn trang trí được làm bằng các vật liệu không tốt thì các vật liệu này có thể bị phân hủy tạo ra các hạt bụi nhỏ. Các hạt bụi này có thể rơi vào đồ dùng trong nhà hoặc trên phần còn lại của vật trang trí với đèn và từ đó đi vào cơ thể qua con đường từ tay vào miệng thông qua tiếp xúc. Ngoài ra, có thể tìm thấy các kim loại khác như cadmium, hexavalent chromium, thủy ngân hoặc các chất độc hại khác như polybrominated biphenyls và polybrominated diphenyl ethers trong các sản phẩm điện tử hoặc gia dụng nói chung.
Chì thường được tìm thấy ở những sản phẩm rẻ tiền hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó để tiết kiệm chi phí sản xuất và hạ giá thành, người ta dùng các nguyên liệu đầu vào kém chất lượng, có độ tinh khiết không cao (dễ lẫn nhiều tạp chất mà trong đó có chì) hoặc sử dụng các công nghệ lạc hậu, không loại bỏ hoặc thay thế được chì ở trong sản phẩm đầu ra.
Hàm lượng chì cho phép thay đổi tùy theo loại sản phẩm và tùy theo quy định của mỗi quốc gia hoặc tổ chức. Ví dụ, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm (Codex) của Liên hiệp quốc khuyến nghị mức tối đa chấp nhận được chì trong sữa bột trẻ em là 0.01mg chì; Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) quy định các sản phẩm sơn không được chứa hơn 0.06% chì trên khối lượng khô.
Chì nguy hiểm đối với cơ thể người do nó làm rối loạn hoạt động của một số enzyme trong cơ thể, từ đó gây nên một số rối loạn cơ thể mà chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo máu (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc sẽ gây ra những tai biến, nếu nặng có thể gây tử vong. Ở trẻ em, chì có thể tích tụ ở xương, làm cản trở quá trình chuyển hóa can−xi bằng cách kìm hãm sự chuyển hóa vitamin D. Chì cũng có thể gây ngộ độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên (ví dụ phá hủy lớp myelin của các sợi thần kinh) nên chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ. Ngoài ra, chì còn có thể gây ra tổn thương thận hoặc làm giảm chức năng gan tạm thời, gây đau khớp, đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi và nhiều triệu chứng khác.
Chì có thể hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta, từ trong khớp nối các đường ống nước đến lớp sơn cửa, trong các đồ vật trang trí, gia dụng, điện tử hoặc đồ chơi trẻ em, thậm chí trong các sản phẩm mỹ phẩm. Tuy nhiên, không thể nhận biết sự có mặt của chì trong các vật dụng nói chung chỉ thông qua cảm quan hay suy đoán. Việc xác định sự có mặt của chì và hàm lượng của nó trong các sản phẩm này phải do các phòng thí nghiệm chuyên sâu thực hiện, với lực lượng nhân sự có chuyên môn và được đào tạo bài bản.
THÔNG TIN THÊM
Tiến sỹ Huỳnh Khánh Duy đưa ra một số lời khuyên về việc chọn mua đồ trang trí Noel và cách sử dụng:
− Tìm sảm phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác rõ ràng.
− Chọn mua các sản phẩm được dán tem phù hợp với RoHS (chỉ thị về hạn chế các chất nguy hiểm trong các thiết bị điện và điện tử).
− Mang găng tay khi trang trí Giáng Sinh.
− Rửa tay thật kỹ trước khi nấu nướng hoặc cầm nắm thức ăn.
− Không để trẻ em cầm chơi hoặc tiếp xúc với các đồ trang trí Noel.
− Hạn chế cho trẻ em chơi ở khu vực có trang trí Giáng Sinh vì trẻ có thể hít phải bụi chì.
Tiếp Thị Gia Đình