Hãy để cho trẻ chơi với đồ ăn

Trong giai đoạn làm quen với thế giới ẩm thực, bạn hãy để con chơi với đồ ăn bởi con trẻ thích có những khám phá mới thông qua việc ăn uống

Bạn T. Uyên, TP. HCM, bày mâm cơm có cà-rốt hấp, cá hồi xé nhỏ, súp bí đỏ và cháo trước mặt con trai Trọng Quý, 14 tháng tuổi. Bé Quý lập tức cho tay vào bát súp rồi trát be bét lên đầu, mặt, quần, áo. Chị Uyên ngao ngán: “Chiến dịch cho con tự ăn chắc phá sản. Lộn xộn thế này, sao mà dọn xuể?!”.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Iowa, Mỹ, khuyên bạn đừng thất vọng. Đó là cách bé đang học tập và chơi với đồ ăn.

ĐỪNG DẬP TẮT MONG MUỐN KHÁM PHÁ CỦA CONChoi voi do an hinh anh 1

Nhìn cảnh con ăn uống bừa bộn, hầu hết các mẹ sẽ phản ứng như chị Uyên. Cuộc sống bận rộn, mong muốn con luôn sạch sẽ, thơm tho của bạn đã vô tình dập tắt ước mơ khám phá ẩm thực của con. Bạn muốn con ăn nhanh để kịp giờ chơi, ngủ hay để mình giải quyết công việc. Song, trẻ nhỏ không tuân theo lịch trình bận rộn của người lớn, không thể ăn vội vàng trong 5–10 phút như người lớn. Các bé cần thời gian để nhìn, ngắm, sờ, ngửi… trước khi cho thức ăn vào miệng. Nếu bạn gắt: “Con hãy dừng ngay trò nghịch ngợm ấy đi”, bạn đang dập tắt bản năng ăn uống tự nhiên, niềm vui, sở thích rất lợi ích với sự phát triển của bé.

CHO BÉ TRẢI NGHIỆM

Choi voi do an hinh anh 2

Với trẻ bắt đầu ăn dặm, bữa ăn cũng là lúc bé trải nghiệm những trò chơi vận động đầu tiên. Bé cần dùng tay để kiểm tra xem thức ăn đặc hay lỏng, cứng hay mềm, nóng hay lạnh… trước khi cho vào miệng để khám phá mùi vị, thức ăn ngon hay không, thích hay không thích. Thông qua quá trình này, não của bé nhận được vô vàn thông tin lý thú. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, trẻ em ăn uống lộn xộn có khả năng học từ vựng liên quan đến thực phẩm đó nhanh hơn các bé ăn uống gọn gàng, theo kỷ luật của cha mẹ.

NHỮNG LỢI ÍCH KHÁC

Choi voi do an hinh anh 3

Việc ăn uống lộn xộn, chơi với đồ ăn là một cách trong quá trình bé làm quen thực phẩm mới. Khi không tiếp xúc với các kết cấu đa dạng, bé trở nên nhạy cảm với kết cấu mới và không sẵn sàng thử những thực phẩm khác nhau. Việc đùa giỡn khi ăn còn giúp bé thoải mái, vui vẻ và không ác cảm với thực phẩm. Trong quá trình chơi với đồ ăn, thông qua việc cầm, nắm, đôi tay có thể gửi những cảnh báo đến bộ não, nhắc nhở những vấn đề liên quan đến kết cấu, nhiệt độ, tính chất, độ đặc, lỏng… Vì thế, nếu bé thích ăn bốc, bạn cứ để cho con ăn bốc, miễn là đã rửa tay cho bé thật sạch trước khi ăn.

MÁCH BẠNChoi voi do an hinh anh 5

♣ Các bé sẽ vui và học hỏi tốt hơn nếu mẹ cho bé chơi và ăn với thực phẩm có các kết cấu, màu sắc khác nhau.

♣ Bé thích mặt cười, vì thế mẹ có thể dành thời gian để cắt tỉa trái cây thành những hình thù vui nhộn, kích thích bé tò mò và khám phá. Với các bé lớn hơn, mẹ có thể cho con cùng đi chợ, vào bếp phụ nấu ăn và hãy để con ăn theo cách bé muốn và sở thích của bé.

Mục Mẹ & Con − Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua