Sử dụng điện thoại khi đi bộ dễ gây tai nạn

Thói quen sử dụng điện thoại khi đi bộ rất dễ gây tai nạn và mọi người nên cảnh giác với hành động này, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo

Một nghiên cứu công bố mới đây của Viện Phẫu thuật chỉnh hình Mỹ (AAOS) cho thấy, 78% người trưởng thành Mỹ tin rằng làm việc khác trong khi đi bộ là một vấn đề “cần xem xét”, tuy nhiên chỉ 29% số ý kiến tin rằng họ sẽ gặp rắc rối với thói quen này.

Phần lớn những người tham gia khảo sát đồng ý rằng làm việc khác trong khi đi bộ − bao gồm nói chuyện, nghe nhạc hay nhắn tin là “nguy hiểm”. Tuy nhiên, có tới 31% số người được hỏi khẳng định họ sẽ hành động như vậy, tự tin vào khả năng “đa nhiệm” của bản thân. Khi được hỏi về lý do cho hành động này, 48% cho biết họ chỉ hành động như một thói quen và “không suy nghĩ gì”, trong khi 28% “tự tin có thể vừa đi vừa làm các việc khác” và 22% nói rằng họ bận rộn và muốn sử dụng thời gian có hiệu quả.

Khảo sát cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có khoảng 4 người đã từng chứng kiến tai nạn liên quan tới đi bộ thiếu tập trung. Trong khi khoảng 26% số người được hỏi cho biết tai nạn từng xảy ra với bản thân.

Su dung dien thoai khi di bo hinh anh 2

Cơ quan trên cũng dẫn một nghiên cứu riêng rẽ tiến hành năm 2013, cho thấy một sự gia tăng đột biến số các vụ tai nạn liên quan tới người đi bộ trong khoảng thời gian 2004 − 2010, trong đó phần lớn là những người sử dụng điện thoại khi đi bộ. Tại Mỹ, New York là thành phố có tỷ lệ quan ngại về vấn đề sử dụng điện thoại khi đi bộ cao nhất (86%), song cũng là nơi có phần trăm người dân có thói quen “tranh thủ” khi đi bộ lớn nhất (39%).

Theo AAOS, các hiểm họa từ thói quen sử dụng điện thoại khi đi bộ đang trở nên đáng báo động với ngày càng nhiều các vụ tai nạn như ngã cầu thang, vấp ngã, va chạm hay bước xuống làn đường xe chạy. Cơ quan trên khuyến cáo người dân không nên dùng các thiết bị di động khi đang tham gia giao thông và thay vào đó tập trung để ý xung quanh.

Điều tra do công ty khảo sát Ipsos tiến hành với sự tham gia của 2.008 người Mỹ trưởng thành trong khoảng thời gian từ 8−20/10 và có tỷ lệ sai số là 2,5%.

Theo TTXVN

Đừng bỏ qua