Cuối giờ chiều 2−12 (theo giờ Việt Nam), tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra ở thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hồ sơ đề cử trò chơi kéo co được đánh giá là đáp ứng những tiêu chí để đăng ký vào danh sách đại diện như: Là một tập quán xã hội có giá trị tạo ra sự bình đẳng, được trao truyền qua truyền khẩu, quan sát, tham gia trực tiếp hoặc truyền dạy tại các trung tâm đào tạo, trường học và các viện bảo tàng. Hồ sơ đề cử có giá trị như một dự án hợp tác giữa bốn quốc gia thành viên, cung cấp bằng chứng về giá trị của di sản này đối với việc khuyến khích đối thoại liên văn hóa.
Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở Đông và Đông Nam Á, với mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy. Tùy vào mỗi quốc gia thành viên, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức ở cấp độ toàn quốc hoặc tại các vùng nhất định.
Ở Việt Nam, kéo co được biết đến như trò chơi dân gian truyền thống, môn thể thao mang tính đồng đội, thường có mặt trong lễ hội, sự kiện sinh hoạt cộng đồng lôi kéo nhiều người tham gia. Vào các dịp Tết truyền thống, kéo co là một trò chơi không thể thiếu ở nhiều lễ hội cổ truyền. Kéo co được thực hành thường xuyên ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng như ở thành phố Hà Nội.
Sau khi đã có chín di sản văn hóa phi vật thể (bảy di sản thuộc danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và hai di sản thuộc danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”), đến nay, Việt Nam đã có 10 Di sản văn hóa thế giới.
Tiếp Thị Gia Đình