Bạn thường bỏ lớp vỏ của củ quả trong khi ăn vì nghĩ rằng chúng là đồ bỏ, do đó không nên ăn. Đây là suy nghĩ hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, lớp vỏ của củ quả cũng chứa một lượng dinh dưỡng đáng kể. Bạn có thể tận dụng lớp vỏ này nhưng cần lưu ý đến an toàn thực phẩm bằng cách mua ở cửa hàng uy tín, ngâm trong nước muối từ 5–10 phút hay sử dụng nước tẩy rửa rau quả chuyên dụng để tẩy hóa chất, vi khuẩn.
VỎ QUÝT
Vỏ quýt là nơi chứa vitamin C dồi dào (trong 100g vỏ quýt có đến 119mg vitamin C). Ngoài ra, vỏ quýt còn có vitamin P, khi nạp vào cơ thể, vitamin P sẽ kết hợp với vitamin C giúp ổn định khí huyết, bảo vệ các mao mạch và hỗ trợ hệ tuần hoàn non yếu của bé.
Trong Đông y, vỏ quýt có nhiều tinh dầu, trị được ho khan, giúp thông mũi, tiêu đờm và cải thiện các bệnh hô hấp ở trẻ. Vỏ quýt có vị the mát, thơm nồng nên thích hợp để làm món sinh tố.
CÙI DƯA HẤU
Cùi dưa hấu là phần trắng, giữa lớp vỏ xanh và ruột đỏ. Cùi dưa hấu tốt cho mắt trẻ vì chứa rất nhiều vitamin A. Chúng cũng bổ sung vitamin C, B6, tạo cho bé năng lượng để hoạt động trí lực và thể chất. Cùi dưa hấu phù hợp để chế biến món gỏi.
VỎ CÀ-RỐT
Đây là nơi tập trung nhiều chất dinh dưỡng nhất. Các chất như ka-li, can-xi, sắt, đồng, vitamin C, D, E và B… thường tích tụ ở ngoài vỏ. Để bé chịu ăn luôn cả vỏ, bạn nên chế biến cà-rốt thành súp lỏng.
VỎ TÁO
Giống với các quả có múi, vỏ táo chứa nhiều vitamin C (cao gấp ba lần so với thịt táo). Vỏ táo còn chứa nhiều vitamin A, K (giúp lưu thông máu hỗ trợ tim mạch). Trong vỏ táo cũng có folate giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất và hình thành các tế bào trong cơ thể bé. Đặc biệt, vỏ táo còn chứa a-xít malic giúp đánh bay mảng bám, bảo vệ răng bé chắc khỏe và sáng bóng. Bạn có thể tận dụng vỏ táo để làm món bánh táo thơm ngon.
Mục Mẹ & Con − Tiếp Thị Gia Đình