Những tiến bộ trong lĩnh vực chế tạo thuốc điều trị (ARV) và sự quản lý tốt ca nhiễm HIV góp phần kéo dài thời gian sống của người nhiễm HIV. Do đó nhu cầu cấy ghép mô, tạng của họ cũng ngày càng gia tăng và khi hội tụ đủ các tiêu chí cấy ghép thì họ cũng có quyền được cấy ghép như những người không nhiễm HIV.
Trước đây, các bác sỹ lo ngại các loại thuốc ức chế miễn dịch dùng sau cấy ghép để chống hiện tượng đào thải sẽ gây hại cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng, nếu tình trạng nhiễm HIV được kiểm soát tốt các thuốc ức chế miễn dịch sẽ không có ảnh hưởng đáng kể.
Đa số các trường hợp người nhiễm HIV được cấy ghép mô, tạng được thực hiện trong 5 năm gần đây và hầu hết là cấy ghép gan và thận.
Tiến sỹ Peter Stock thuộc Đại học Tổng hợp California (Mỹ) đã chủ trì một nghiên cứu trên 275 trường hợp cấy ghép tạng cho người nhiễm HIV. Kết quả cho thấy trong đó khoảng 94% số ca ghép thận tiếp tục sống được 3 năm sau mổ, trong đó 83% thận có hoạt động trở lại.
Như vậy, kết quả này cũng tương tự như với các trường hợp người được cấy ghép là người không nhiễm HIV.
Mặt khác, kết quả cấy ghép gan cho người nhiễm HIV bị hạn chế hơn khi người nhận đồng nhiễm viêm gan C. Còn khi người nhận nhiễm thêm viêm gan B thì kết quả cấy ghép cũng tương tự như đối với người không nhiễm HIV.
Tiếp Thị Gia Đình