Ngăn chặn bệnh sốt rét nhờ muỗi biến đổi gien

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, Mỹ, đã nuôi cấy thành công loài muỗi biến đổi gien giúp ngăn chặn bệnh sốt rét lan truyền nhờ công nghệ chỉnh sửa gien Crispr

Bằng công nghệ chỉnh sửa gien Crispr, các nhà khoa học đã đưa loại gien chống bệnh sốt rét vào hệ DNA của loài muỗi Ấn Độ Anopheles Stephensi. Sau khi giao phối với muỗi thông thường, những con muỗi biến đổi gien sẽ sinh ra muỗi con thừa hưởng 100% DNA có khả năng tạo ra kháng thể chống ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.

Con người khi bị muỗi biến đổi gien đốt sẽ không bị nhiễm bệnh và không lây lan.

Tạp chí PNAS còn cho biết các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm cách này trên các loài muỗi khác nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét hữu hiệu.

Mỗi năm, bệnh sốt rét giết chết khoảng 580.000 người, nhiều nhất là ở các nước đang phát triển. Riêng năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có đến 214 triệu ca mắc bệnh sốt rét trên thế giới, trong đó 438.000 trường hợp đã thiệt mạng.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia đang tìm cách biến đổi gien để loài muỗi trở nên vô sinh và tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo ngại loài muỗi tuyệt chủng có thể để lại hậu quả khó lường cho hệ sinh thái.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua