Nhà chồng xem như con ở, nên ở lại hay ra đi?

Những tư vấn hữu ích sẽ được chọn đăng trên số mới nhất của Tiếp Thị Gia Đình và được nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn

Tôi lấy chồng cũng gần chục năm, và ngần ấy năm lấy chồng là ngần ấy thời gian tôi cắm mặt ở nhà chồng, quần quật làm lụng, chỉ ngày Tết mới được về quê thăm cha mẹ. Nhà chồng tôi là một hiệu buôn đồ tạp hóa. Vì thế, từ sáng đến tối, tôi hầu như không khi nào ngơi tay. Vừa đặt mông ngồi xuống ăn cơm là có người gọi mua hàng. Buổi trưa vừa thả người xuống là hàng lại được giao tới. Vừa bán, tôi vừa phải chu toàn chuyện cơm nước, giặt giũ cho cả nhà.

Chưa hết vất vả, hai đứa con tôi lần lượt ra đời. Bụng mang dạ chửa vượt mặt, tôi cũng không được ngồi yên một chỗ. Suốt ngày cứ hết buôn bán, nấu nướng, giặt giũ rồi đến con đau, con khóc. Nhiều khi tôi không biết mình có phải ba đầu sáu tay không mà có thể làm hết những công việc ấy trong suốt 365 ngày đều đặn như vậy.

Tất bật, vất vả tôi cũng cam lòng, không oán giận gì, miễn sao vợ chồng êm ả, nhà chồng yêu thương, trân trọng công sức của tôi. Thế nhưng, không ai ngờ được là chồng tôi và nhà chồng xem như con ở, rẻ rúng trong nhà. Lý do đơn giản mà họ đưa ra là vì tôi không làm ra tiền. Mẹ chồng tôi lúc đầu còn nói bóng nói gió tôi là gái tỉnh lẻ, được lấy chồng thành phố, ở nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng như vầy là tôi có phúc mấy đời.

Về sau, khi thấy tôi sinh hai đứa nhỏ, không có việc làm, phải ở nhà chồng nuôi, bà đâm ra khinh thường, chửi mắng tôi không tiếc lời. Với bà, tôi là gánh nặng của chồng. Con trai bà phải nai lưng vất vả quần quật cả ngày để nuôi lấy ba miệng ăn chúng tôi. Khi chồng tôi về đến nhà, bà bắt tôi phải dâng cơm, hầu nước, xách cặp cho chồng như tôi là một người hầu cho anh ấy vậy. Chồng tôi lúc đầu còn thông cảm cho vợ, phụ giúp. Dần dà về sau càng nghe lời mẹ chồng tôi, không hề giúp đỡ tôi chút gì khi về đến nhà. Một mình tôi phải xoay xở vừa buôn bán, hầu hạ cả nhà chồng và chăm sóc hai đứa con nhỏ.

nha chong xem nhu con o hinh anh 1

Nhìn những người con dâu khác của mẹ, quần là áo lượt, được đón tiếp như bà hoàng mà lòng thấy tủi thân vô cùng

Nhiều khi tôi ngắm những cô con dâu của mẹ đến nhà với váy áo sạch sẽ tinh tươm, tay cầm túi xách bóng lộn, điện thoại di động đắt tiền… được đón tiếp như bà hoàng mà lòng thấy tủi thân vô cùng. Cũng cùng là con dâu mà sao thân phận của họ lại khác tôi đến vậy! Tôi thì lúc nào quần áo cũng nhàu nhĩ, tiền bạc eo hẹp, muốn mua có đồng quà, tấm bánh cho con là phải ngửa tay xin tiền chồng.

Nhiều lúc uất ức quá, tôi muốn dắt hai con về quê ở với cha mẹ, rau cháo nuôi nhau còn hơn ở thành phố nhà cao cửa rộng mà nhà chồng xem như con ở không hơn không kém. Hay là tôi nên cam chịu để hy sinh cho con cái được sống trong một gia đình đủ đầy?

Hồng Vân (TP. HCM)


Hãy chia sẻ góc nhìn của bạn về vấn đề trên bằng cách viết vào khung hoặc ô BÌNH LUẬN bên dưới. Những ý kiến hay nhất được chọn đăng trên tạp chí Tiếp Thị Gia Đình sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

  • Bạn vui lòng cung cấp thông tin chính xác để tạp chí Tiếp Thị Gia Đình có thể liên lạc với bạn nhanh nhất nếu tình huống và/hoặc câu giải đáp của bạn được chọn đăng trên tạp chí.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua