Kế hoạch Hà thành đầu độc của Đề Thám và vợ ba Đặng Thị Nhu

Trong bữa tối 27–6–1908, 200 lính Pháp đã bị trúng độc do ăn cà độc dược. Đây là một phần của kế hoạch Hà thành đầu độc do Đề Thám và vợ ba Đặng Thị Nhu vạch ra

Chuyện kể rằng vào một buổi chiều nọ, khi đi đến làng Vạn Vân (thuộc tỉnh Bắc Giang) để lánh nạn, Đề Thám bỗng gặp một cô gái xinh đẹp tên Nhu. Ông nói dối rằng mình là dân buôn, bị kẻ cướp lấy hết vốn liếng. Sẵn lòng thương người, cô gái đưa khách về nhà gặp cha.

Ở đây, bất ngờ Đề Thám gặp Thông Luận, một cộng sự của mình. Thông Luận lại là con nuôi của cha cô gái. Nhờ mối quan hệ này mà gia đình Nhu đã trở thành cơ sở của nghĩa quân và cô cũng trở thành người trợ giúp đắc lực cho Đề Thám. Tâm đầu ý hợp nên chẳng bao lâu, Đề Thám lấy cô làm vợ thứ ba.

KHIẾN GIẶC MẤT VÍA

Vừa là vợ vừa là cộng sự, Đặng Thị Nhu sát cánh cùng chồng bàn định nhiều kế hoạch cho công cuộc kháng chiến lâu dài và gian khó. Là người nhan sắc, liễu yếu đào tơ nhưng đường kiếm cung của nàng lại không kém nam nhi. Từ nhỏ Đặng Thị Nhu đã được cha là một thầy mo uyên bác truyền dạy các thủ thuật hiếm có để làm những việc lớn trong thiên hạ. Phép tính trong Thái Ất thần kinh nàng cũng thuộc làu trong lòng bàn tay. Nàng còn thông thuộc kỳ môn độn giáp, có thể tiên đoán trước nhiều sự việc.

Nàng cùng Đề Thám và quân sư Hoàng Điển Ân đã nghĩ ra nhiều kế sách khiến quân viễn chinh Pháp lắm phen khốn đốn. Quân Pháp chỉ nghe tiếng nàng đã sợ mất vía. Mật thám Pháp sau nhiều lần dò la đã xác định Đặng Thị Nhu là mối lo lớn cần phải triệt tiêu ngay lập tức.

ĐẠI SỰ BẤT THÀNH

Năm 1907, Đề Thám cùng Đặng Thị Nhu thành lập đảng Nghĩa Hưng, Trung Chân ứng nghĩa đạo ở Hà Nội, đồng thời đề ra kế hoạch đầu độc làm suy yếu lính Pháp để dấy binh khởi nghĩa. Lực lượng làm binh biến là các bồi bếp và binh lính người Việt (lính khố đỏ) thuộc trung đoàn pháo binh bảo vệ thành Hà Nội của Pháp. Nhóm có nhiệm vụ nội ứng bên trong: đầu độc 2.000 binh lính Pháp rồi bắn pháo hiệu làm hiệu lệnh tiến công cho các cánh quân của nghĩa quân đánh vào thành Hà Nội.

Tuy vậy, mật vụ Pháp đã biết trước một phần kế hoạch do nghi ngờ hoạt động của một đầu bếp. Trong bữa tối 27–6–1908, 200 lính Pháp được cho ăn cà độc dược đã trúng độc nhưng ngay sau đó, quân Pháp cho báo động toàn thành. Lính người Việt chưa kịp bắn ba phát đại bác như đã định thì đã bị tước vũ khí và bắt giam. Ngày hôm sau, Pháp khép tội tử hình với 13 binh lính và bồi bếp người Việt. Số lính Pháp không có ai thiệt mạng vì độc dược.

GIỮ LÒNG TRUNG TIẾT

Năm 1909, Pháp cho quân bố ráp khắp nơi, Đề Thám cùng Đặng Thị Nhu đã chống trả kịch liệt. Dù binh cùng thế kiệt, cả hai vẫn oanh liệt chỉ huy nghĩa quân chống địch trong trận đánh ở chợ Gồ, khiến các lực lượng do viên Đại tá Bataille đốc suất phải kinh nể. Sau đó, thấy tình thế khó xoay chuyển, Đặng Thị Nhu khuyên chồng rút lui vào rừng. Sáng 1–12–1909, nàng và con gái Hoàng Thị Thế bị địch bắt giữ. Hôm sau, Đề Thám dẫn năm nghĩa quân đi cứu vợ con nhưng bị lọt vào ổ phục kích. Một nghĩa quân hy sinh, Đề Thám may mắn chạy thoát.

Sau một thời gian giam giữ tại Hỏa Lò, thực dân Pháp đày mẹ con Đặng Thị Nhu sang Guyane (Nam Mỹ). Trong lúc quân canh sơ hở, nàng đã nhảy xuống biển tự tử vào ngày 25–12–1910 để thể hiện lòng trung với nghĩa quân và Tổ quốc.

THÔNG TIN THÊM

Trong những ngày cuối cùng, lực lượng ngày càng mỏng, Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ bảo vệ và liên tục phải di chuyển. Khi ông tới vùng Hố Lẩy, Pháp bố trí ba kẻ mạo danh đến tiếp cận và hạ sát ông cùng thủ hạ vào ngày 10–2–1913, sau đó mang thủ cấp ra bêu ở Phủ đường Yên Thế. Có ý cho rằng thủ cấp bị bêu không phải của Đề Thám mà của một vị sư trụ trì có gương mặt giống ông, bị giết để thế chỗ. Bản thân Đề Thám chạy trốn và sống ẩn dật trong dân chúng, cuối cùng chết vì bệnh tật. Hai con của ông và Đặng Thị Nhu là Hoàng Thị Thế và Hoàng Hoa Phồn được Pháp nuôi dưỡng, có cuộc sống tương đối bình yên.

Mục Nhân vật − Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua