Bài thi môn Văn khối 11 giữa kỳ I trong vòng 45 phút của trường THPT Hùng Vương (TP. Pleiku, Gia Lai) lấy đề tài vụ khủng bố ở Paris với nội dung như sau:
Báo chí có đưa tin về vụ khủng bố tại thủ đô Paris của nước Pháp. Tóm lược diễn biến chính được biết đến nay trong vụ khủng bố trên như sau:
– Hàng trăm người chết, bị thương trong nhiều vụ xả súng và đánh bom tại nhiều địa điểm khác nhau tại thủ đô Paris.
– Ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong nhà hát Bataclan, nhà hát rất lớn nằm trong trung tâm Paris. Đó là một vụ đánh bom và bắt cóc con tin trong một buổi trình diễn. Vụ bắt cóc đã kết thúc, những người bị thương đang được đưa tới bệnh viện.
– Nhiều người khác chết tại sân vận động State de France, nơi đội tuyển Pháp và Đức đang thi đấu khi vụ tấn công xảy ra, các nhà hàng trong sân vận động cũng bị tấn công.
Thủ đô Paris của nước Pháp đã bị khủng bố tấn công làm chấn động cả thế giới. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về sự kiện này?
Cô Lệ Hằng (bên trái) chính là giáo viên trực tiếp ra đề thi về khủng bố ở Paris. Ảnh: Tuổi trẻ
Giáo viên trực tiếp ra đề thi là cô Trương Thị Lệ Hằng đã cân nhắc dựa trên các vấn đề xã hội đang nóng hiện nay như quan hệ thầy trò, môn Lịch sử tích hợp với môn khác, và sự kiện khủng bố ở Paris. Cô quyết định chọn đề tài trình bày quan điểm cá nhân về vụ khủng bố ở Paris nhằm khích lệ học sinh suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ quen thuộc của nhà trường.
Cô Hằng cho biết, các em phần lớn đều hào hứng với đề tài mang tính thời sự đang gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Dù vậy, vẫn có một số em khá bất ngờ vì không cập nhật sự kiện kịp thời.
Với dạng đề thi mở này, nhà trường cũng định hướng các giáo viên nên tôn trọng ý kiến học sinh khi chấm bài. Cô Hằng chia sẻ, đề tài đã đưa ra những dữ kiện cần thiết để cho cả những em không cập nhật sự kiện khủng bố ở Paris vẫn có thể làm bài được. Giáo viên sẽ nhắc nhở và điều chỉnh nếu các em đưa ra những ý kiến sai lệch hoặc bốc đồng.
Thiết nghĩ, cách thức ra đề thi mở bám sát tính thời sự như thế rất đáng hoang nghênh và cần phổ biến ở nhiều trường hơn để mở rộng tư duy của học sinh thay vì gò bó theo những khuôn mẫu có sẵn trong sách giáo khoa.
Tiếp Thị Gia Đình