Những điều làm em thích nhất khi học giờ Địa là giọng giảng của cô rất hay, thu hút tất cả các bạn nghe giảng. Cô thân thiện và cởi mở, giúp giờ học trở nên sôi động, khiến mọi người đều muốn phát biểu xây dựng bài học. Ngoài môn Địa, cô còn dạy cho chúng em nhiều kiến thức đời sống”. Đó là nguyên văn câu trả lời rất hồn nhiên của một em học sinh lớp 10 trong phiếu lượng giá giờ Địa lý mà cô giáo Hoàng Thị Diễm Trang đưa ra để lấy ý kiến của học sinh năm học 2014–2015.
KHÔNG CHỦ QUAN MÌNH LÀM TỐT
Khi đưa cho tôi xấp phiếu lượng giá phẳng phiu, cô Trang không quên dặn rằng phải giữ cẩn thận để trả lại cho cô. Không chỉ đọc từng bản lượng giá, cô còn tổng hợp lại xem có bao nhiêu điểm học sinh hài lòng hoặc chưa hài lòng và mỗi điểm đó chiếm tỷ lệ bao nhiêu Bản lượng giá bắt đầu bằng câu “Để các giờ học Địa lý trở nên thú vị và thiết thực hơn nữa, em vui lòng cho ý kiến phản hồi về các vấn đề sau”. Các câu hỏi bao gồm: những điều làm em thích nhất khi học giờ Địa, những điều em thấy cần thay đổi trong giờ Địa và đề nghị cụ thể để tạo nên sự thay đổi. Học sinh không cần nêu tên.
Tôi không khỏi thú vị trước những lời nhận xét ngây thơ như: “Em cảm thấy giờ học đã quá tốt và vui vẻ nên không cần thay đổi điều gì cả”, “Cô luôn cười tươi với tất cả chúng em, dù đúng hay sai điều bắt đầu thứ nhất ở cô đều là nụ cười”…
CÓ YÊU MỚI LÀM ĐƯỢC
Đó là câu cô giáo Hoàng Thị Diễm Trang nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện chia sẻ với tôi. Tôi cắc cớ hỏi cô: “Là yêu học trò, yêu bộ môn hay yêu nghề dạy học?”. Cô đáp ngay không cần nghĩ ngợi: “Cả ba! Có yêu học trò mới đủ kiên nhẫn để dẫn dắt các em. Có yêu bộ môn mới hứng thú tìm hiểu, đào sâu và truyền cảm hứng cho học trò. Và có yêu nghề thì mới có động lực để vượt qua những khó khăn”.
Vì yêu như thế nên mỗi giờ dạy đối với cô Trang đều phải mới mẻ. Với mỗi giáo án, cô đều rút kinh nghiệm ngay sau khi triển khai bài giảng trên lớp xem chỗ nào đạt, chỗ nào chưa ổn và năm sau xem lại nhằm mục đích phải làm mới hơn, hay hơn.
“Mình vốn tính cả thèm chóng chán, nếu cứ một kiểu lặp lại mình sẽ thấy chán chết thì lấy đâu ra cảm hứng mà truyền cho học trò nữa. Với mình, việc chiếm thời gian nhiều nhất là soạn bài vì Địa lý là môn mà thông tin thay đổi liên tục, do đó cần cập nhật để đem lại hứng thú cho học sinh và bản thân người thầy không cảm thấy chán. Mục tiêu hướng tới trong mỗi tiết dạy là các em cảm thấy giờ Địa không phải là giờ “nín thở qua cầu”, mà có nhiều điều thật sự mới mẻ, thú vị và bổ ích. Nói cách khác: tiêu chí là chinh phục học trò qua từng tiết dạy, để các em thấy vì sao mình yêu thích Địa lý. Cho đến giờ, mình vẫn nhớ tấm thiệp của một em học sinh cảm ơn vì cô giúp em thấy trái đất đẹp thế nào”, cô Trang chia sẻ.
ĐỊA LÝ KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ MÔN HỌC THUỘC LÒNG
Cô Trang cho biết mình thích Địa lý vì nó cung cấp các kiến thức xã hội, tự nhiên khá rộng, lại “chạm” được đến các vấn đề vẫn gặp trong cuộc sống, giúp chúng ta hiểu thế giới mình đang sống hơn. Đây cũng là bộ môn đòi hỏi nhiều tư duy logic và lập luận khoa học, chứ không phải học thuộc lòng. Vì vậy, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức bộ môn, cô còn chú trọng rèn luyện các kỹ năng cho học sinh thông qua việc ra những bài tập thảo luận theo nhóm và khảo sát thực tế – thuyết trình trên lớp.
Thông tin thêm
• Cô giáo Hoàng Thị Diễm Trang tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm TP. HCM bộ môn Địa lý năm 1993.
• Cô về giảng dạy tại trường THPT Gia Định từ năm 1997.
• Hiện cô đã đảm nhận vai trò quản lý (hiệu phó) nhưng vẫn duy trì việc lên lớp và làm chủ nhiệm. Với cô Trang, mỗi giờ dạy, dù cùng một bài giảng, đều phải mới mẻ.
Bài: BẢO LONG
Mục Chuyên đề giáo dục / Tiếp Thị Gia Đình