Các đại biểu tại kỳ họp thứ 38 UNESCO ở Pháp ngày 3−11. Ảnh: TTXVN
Đây là lần thứ tư Việt Nam trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO sau ba nhiệm kỳ 1978−1983, 2001−2005 và 2009−2013.
Việt Nam đã được bầu với số phiếu ủng hộ là 156 trên tổng số 186 nước có quyền bầu cử. Hội đồng chấp hành UNESCO có 58 thành viên với nhiệm kỳ 4 năm. Hội đồng là cơ quan thay mặt Đại Hội đồng UNESCO trong thời gian giữa hai kỳ họp, giám sát việc thực hiện chương trình hoạt động và quản lý ngân sách, duy trì quan hệ với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế trực thuộc khác, lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại Hội đồng, đề nghị kết nạp thành viên mới, giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng Giám đốc đồng thời bầu Tổng Giám đốc… Các ủy viên Hội đồng chấp hành có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO.
Việc Việt Nam được bầu là thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO là kết quả của việc triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập toàn diện và ngoại giao đa phương của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào các hoạt động của UNESCO.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, cho biết đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây cũng sẽ là một diễn đàn đa phương quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình bên cạnh nhiều diễn đàn đa phương khác. Ông cũng nhắc lại việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC), nhiệm kỳ 2016−2018 vào ngày 21−10 vừa qua tại kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, cũng như hiện Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (khóa 2014−2016), có trụ sở đặt tại thành phố Geneva (Thụy Sỹ) .
Vụ trưởng Phạm Sanh Châu cũng giải thích quy trình bầu cử cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước do số ứng cử viên đông, đặc biệt tại khu vực châu Á và việc Việt Nam được bầu với số phiếu cao cho thấy sự tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam. Ông cũng cho biết trong tổ chức UNESCO, hiện tại Việt Nam đang là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013−2017). Với việc được bầu vào Hội đồng chấp hành, Việt Nam đã trở thành thành viên của hai cơ quan quyền lực nhất của UNESCO, một cơ quan định ra chính sách và một cơ quan có quyền bầu chọn các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Vụ trưởng Phạm Sanh Châu khẳng định, đây là hai cơ quan mà bất cứ nước nào cũng mong muốn trở thành thành viên. Chính vì vậy, có thể nói chưa bao giờ vị thế của Việt Nam ở UNESCO lại cao đến như vậy.
Về phần mình, Đại sứ Lê Hồng Phấn, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO bày tỏ niềm vinh dự và tự hào vì uy tín và vị thế của Việt Nam ngày một nâng cao. Ông cũng cho biết phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO sẽ cố gắng để đóng góp tích cực vào việc thực hiện những mục tiêu cũng như sứ mệnh của UNESCO, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO cũng như là giữa Việt Nam và các nước thành viên UNESCO trong thời gian tới.
Kỳ họp lần thứ 38 của Đại Hội đồng UNESCO đã khai mạc ngày 3−11 tại trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp), với sự tham gia của đại diện của 195 nước thành viên, các nước thành viên liên kết, các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Tại kỳ họp diễn ra từ ngày 3 đến ngày 18−11 này, đại diện các quốc gia bàn về định hướng của UNESCO trong hai năm tới (giai đoạn 2015−2017), trong đó gắn các phương hướng hoạt động với các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững có tầm nhìn đến năm 2030 đã được Liên Hiệp Quốc thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tháng 9 vừa qua tại New York (Mỹ).
Theo TTXVN