Cách ngâm chân bằng nước nóng tốt cho sức khỏe

Ngâm chân là cách dưỡng sinh rất phổ biến và là nghệ thuật đặc biệt chỉ có ở y học phương Đông. Tuy nhiên, ngâm chân bằng nước nóng không phải là chuyện đơn giản. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên tắc để ngâm chân đúng cách, tăng cường sức khỏe.

Vào buổi tối, nếu có thể ngâm chân, bạn sẽ giảm căng thẳng, mệt mỏi và có giấc ngủ ngon hơn

Ngâm chân có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm căng thẳng, mệt mỏi, dễ đi vào giấc ngủ và hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh như đau khớp.

Tuy nhiên, bạn đừng cho rằng ngâm chân là chuyện đơn giản và không cần nguyên tắc. Thật ra ngâm chân cần phải tuân theo nguyên tắc và có người sẽ nằm trong nhóm không nên ngâm chân. Nếu chú ý điều này thì việc ngâm chân sẽ đạt hiệu quả cao.

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN KHI NGÂM CHÂN

Ngâm từ 20−30 phút

Đây là khoảng thời gian ngâm chân thích hợp nhất. Nếu thực hiện chưa đầy 20 phút sẽ không phát huy hiệu quả dưỡng sinh nhưng nếu ngâm quá 30 phút sẽ khiến tế bào da chân trương phông. Da sẽ nhanh lão hóa hoặc bị hủy hoại.

♦ Nên ngâm chân bằng nước nóng ở 40°C

Khi ngâm chân, nhiệt độ nước nên ở mức này. Một số người cho rằng chỉ cần mình chịu đựng được thì nước càng nóng càng tốt. Thật ra điều này hoàn toàn không đúng. Nếu nhiệt độ quá cao sẽ dễ gây bỏng rát. Thay vì tạo hiệu ứng dễ chịu cho một giấc ngủ sâu thì chúng lại tạo ra sự căng thẳng nhiệt (nhiệt độ quá cao tạo ra các protein nhạy cảm với nhiệt gây ức chế thần kinh). Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá thấp thì ngâm chân không có tác dụng hoặc có thể nhiễm lạnh.

Muốn thử nhiệt độ nước, bạn không nên dùng tay, hãy dùng chân cảm nhận vì chân thường nhạy cảm nhiệt hơn tay. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với chân đi giày ít bị chai vì nếu thường xuyên đi chân trần, sẽ có vết chai thì độ nhạy cảm nhiệt sẽ kém đi.

Lượng nước không nên quá ít

Ngân chân không giống rửa chân, mực nước nên vừa đủ thì mới tác động tạo hiệu ứng trên mạch máu và thần kinh. Các huyệt đại của chân nằm trọn vẹn trong lòng bàn chân và trên mu bàn chân. Vì thế, để tạo hiệu ứng tối đa, mực nước để ngâm chân cần vượt qua vị trí các huyệt đạo này, tốt nhất là từ mắt cá chân đến nửa cẳng chân. Không nên ngâm chân đến tận đầu gối vì nước dễ hấp thu vào cơ thể.

Thêm tinh dầu sảng khoái

Bạn có thể thêm vào nước ngâm chân các loại tinh dầu như cúc, gừng, sả, oải hương bằng cách nhỏ 2−4 giọt tinh dầu vào chậu nước để tạo mùi hương xả stress dễ chịu. Ngoài ra, bạn có thể ngâm chân với muối, trà xanh giúp khử mùi hôi chân.

20151110-suc-khoe-ngam-chan

Sử dụng các loại tinh dầu giúp tăng tác dụng của ngâm chân

CẨN THẬN KHI NGÂM CHÂN

♦ Không nên ngâm chân bằng nước nóng trước và sau khi ăn cơm

Lúc ngâm chân phải tránh đang ở trạng thái quá no, quá đói hoặc vừa ngâm chân vừa ăn. Khi tuần hoàn máu tập trung quá nhiều vào hệ tiêu hóa (do ăn) và chân (do ngâm chân) sẽ dễ xuất hiện tình trạng chóng mặt, khó chịu. Trong nửa tiếng sau khi ăn cơm không nên ngâm chân, vì sẽ ảnh hưởng đến lượng máu cung cấp cho dạ dày.

♦ Phụ nữ nên tránh thời kỳ kinh nguyệt

Trong giai đoạn “đèn đỏ” không nên ngâm chân. Lý do là ngâm chân làm giãn mạch, khó kiểm soát chảy máu trong những ngày hành kinh. Mặt khác, nhiệt độ cao sẽ ức chế đông cầm máu, dễ dẫn đến rong kinh kéo dài.

♦ Những người mắc bệnh, dễ ngất khi ngâm chân lâu

Người bình thường khỏe mạnh ngâm chân sẽ không sao, nhưng người có các bệnh như huyết áp thấp, suy tim, rối loạn tiền đình, lở loét ở bàn chân, bỏng rát chân, dị cảm thần kinh ở bàn chân không nên ngâm chân. Nếu ngâm chân, có thể sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm.

Người bị tiểu đường cần lưu ý nhiệt độ nước

Người mắc bệnh này không thể cảm nhận nhiệt độ bình thường. Dù nhiệt độ nước rất cao nhưng họ vẫn cảm thấy chưa đủ nên dễ bị bỏng.

Người đang bị chấn thương, rách da, chảy máu, viêm loét, mụn nhọt, bỏng trên da chân không nên ngâm. Việc ngâm chân dễ làm chảy máu thêm hoặc khiến tình trạng nhiễm khuẩn của vết thương lan rộng.

Trẻ em không cần phải ngâm chân: Trẻ nhỏ dễ bị nhiệt. Nếu ngâm chân bằng nước nóng sẽ càng làm tăng thân nhiệt. Vì vậy, mỗi ngày bạn chỉ cần rửa sạch chân cho trẻ, sau đó nhẹ nhàng mát-xa để trẻ thư giãn.

20151110-suc-khoe-ngam-chan-2

Nên tìm hiểu kỹ để ngâm chân đúng cách

THÔNG TIN THÊM

− Khi ngâm chân, bạn cần chú ý đến lượng nước, nhiệt độ và thời gian ngâm để mang lại hiệu quả tuyệt vời về những lợi ích cho sức khỏe.

− Chậu ngâm chân tốt nhất bằng gỗ, đất nung và thủy tinh chịu nhiệt vì chúng tản nhiệt chậm hơn các chất liệu khác, thích hợp ngâm chân 20−30 phút. Chậu gỗ như gỗ thông có tính án, có thể nâng cao hiệu quả của việc ngâm chân. Nếu chậu nhựa hay kim loại thì khoảng 10 phút, nước sẽ nguội.

− Vệ sinh sạch sẽ chậu ngâm chân: Nếu chậu ngâm chân không được giữ sạch sẽ thì những vi khuẩn ở chân sẽ dễ lưu lại ở thành chậu, gây viêm nhiễm ngược lại cho chân

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua