Phải làm sao khi chứng kiến tai nạn giao thông trên đường?

Khi gặp tai nạn giao thông trên đường, bạn sẽ xử trí ra sao? Chỉ đứng im chứng kiến hay bắt tay hành động để giúp đỡ người bị nạn?

Khi gặp tai nạn trên đường, việc đầu tiên bạn nên làm là giữ bình tĩnh và gọi xe cấp cứu − Ảnh minh họa

Vụ tai nạn kinh hoàng khi chiếc xe taxi của hãng VinaTaxi đâm hàng loạt xe máy trên cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc (Hà Nội) vào đêm 8−11 khiến nhiều người thương vong và khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, hoảng sợ.

Trên mạng xã hội Facebook, nickname T.T.T, một trong những người chứng kiến và tham gia cứu các nạn nhân đã tường thuật lại vụ việc nghiêm trọng này. Bên cạnh sự sẻ chia đơn thuần về những điều mắt thấy, tai nghe, nickname này còn gửi đến những thông điệp sâu sắc, nhắc nhở mọi người, nhất là giới trẻ về sự thận trọng và tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông, đồng thời cũng là những lời nhắc nhở những người có hành vi thờ ơ, vô cảm khi thấy người bị nạn.

Theo lời kể của T.T.T, sau khi vụ tai nạn xảy ra, rất nhiều người đứng xúm lại. Tuy nhiên, phần đông những người chứng kiến chỉ bàn tán, quay phim chụp ảnh, thậm chí là tảng lờ khi được nhờ. Chỉ có nam thanh niên này cùng bốn người khác lao vào giúp đỡ.

Một tài khoản Facebook khác chia sẻ, chị từng thoát chết trong một vụ tai nạn giao thông gần đây. Đối với chị, cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là nỗi đau thân thể hay cái xe hỏng mà là cảm giác không biết bao nhiêu người đi đường quần áo đẹp đẽ phóng qua, đi chậm lại, hạ kính ô tô, dừng xe tay ga chen nhau giơ điện thoại và… quay lại.

KHÔNG GIÚP ĐỠ NGƯỜI GẶP NẠN: VÔ CẢM HAY THIẾU KỸ NĂNG?

Sự vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông đang là thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Thực tế, mỗi ngày trên cả nước có tới hàng trăm, hàng ngàn vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra. Phần lớn những người chứng kiến tai nạn hoặc đứng nhìn thụ động, hoặc chỉ trỏ bàn tán, quay video chụp ảnh, không hề gọi xe cấp cứu hay các lực lượng chức năng đến can thiệp.

Một số người lại cho rằng, không phải ai cũng có kĩ năng sơ cứu, nếu sai cách có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân. Một số người khác cũng muốn ra tay giúp đỡ, nhưng lại e ngại gặp rắc rối với cơ quan công an, hay sợ người nhà nạn nhân hiểu lầm và vướng phải những rắc rối không đáng có, khiến người bị nạn rơi vào trạng thái nguy kịch hay bị thương tật suốt đời.

Tuy vậy, khi chứng kiến tai nạn giao thông trên đường, tất cả chúng ta đều có thể hành động để tăng khả năng sống sót cho người bị nạn. Bạn hãy nhớ rằng, chỉ cần hành động sớm vài phút, bạn cũng có thể cứu sống cả một mạng người.

PHẢI LÀM GÌ KHI GẶP TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG?

20151110_tieudiem_lam gi khi thay tai nan tren duong 3

Theo Trung tâm Cấp cứu 115 TP. HCM, khi gặp tai nạn giao thông, bạn phải thật bình tĩnh và làm theo những bước sau:

1. Gọi xe cấp cứu hoặc công an

Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và quan sát xem đã có ai gọi công an hay xe cấp cứu chưa. Nếu chưa, bạn hãy là người gọi. Số điện thoại gọi cấp cứu tại Việt Nam là 115.

Khi kết nối được với tổng đài, hãy cung cấp cho họ thông tin với độ chính xác cao nhất. Các thông tin gồm có:

Nơi xảy ra tai nạn. Nếu nơi xảy ra tai nạn khá hẻo lánh, hãy chọn con đường gần đó nhất, hoặc nhờ sự trợ giúp của người dân xung quanh.

Số điện thoại bạn đang liên lạc là gì? Tổng đài sẽ xác nhận lại điều này để có thể gọi lại trong trường hợp cần thêm thông tin.

Vấn đề xảy ra là gì? Bạn cần mô tả rõ và chi tiết hết sức có thể.

♠ Nạn nhân khoảng bao nhiêu tuổi? Xác định điều này bằng chứng minh thư của nạn nhân, hoặc ước lượng độ tuổi bằng mắt.

Nạn nhân có bất tỉnh không? Nạn nhân còn thở không?

2. Chờ xe cứu thương

Sau khi cung cấp đủ thông tin, tổng đài sẽ tiếp tục hướng dẫn chi tiết cho bạn phải làm gì trong tình huống này, hoặc cần bạn cung cấp thêm thông tin chi tiết hơn.

Quan sát hiện trường xung quanh, để ý xem có mối đe dọa nào khác không. Một vài nguy cơ thường gặp khi xảy ra tai nạn giao thông như xe rò rỉ xăng, động cơ vẫn đang chạy, hoặc thậm chí là bốc cháy. Nếu có thể, bạn hãy tìm cách tắt động cơ xe. Trong trường hợp động cơ đang cháy, hãy vào ngay nhà dân mượn bình chữa cháy để dập lửa.

Ngoài ra, trong lúc chờ xe cứu thương, hãy huy động những người qua đường “dọn đường” để có lối đi đủ rộng cho xe cứu thương tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng nhất.

3. Giúp đỡ nạn nhân

Tuyệt đối không được tự ý sơ cứu nạn nhân nếu bạn không có kiến thức hay kỹ năng sơ cứu, bởi sơ cứu không đúng cách đã khiến cho tình trạng bệnh nhân nguy cấp hơn. Tốt nhất, hãy để nạn nhân nằm yên vị cho đến khi xe cứu thương đến.

Tuy nhiên trong trường hợp bất khả kháng phải di dời, có thể do nạn nhân bị tai nạn giữa đường, hoặc phương tiện giao thông đang bắt lửa, cần phải cẩn trọng với phần xương gãy. Đừng để nạn nhân bị vặn lưng hoặc cổ.

Nếu nạn nhân đang đội mũ bảo hiểm quá kín, khiến họ khó thở, bạn có thể tìm cách gạt tấm chắn lên. Tuy nhiên tốt nhất là không nên động vào, vì nhiều trường hợp tháo mũ bảo hiểm không đúng cách đã gây thương tổn không nhẹ cho vùng cổ của nạn nhân.

Nhưng nếu buộc phải tháo mũ, hãy cùng ai đó nâng cổ và đầu, rồi người kia nhẹ nhàng kéo mũ ra khỏi đầu từ phía sau thật cẩn thận, nhớ đừng vặn hoặc xoay đầu họ.

Tiếp Thị Gia Đình

 

Đừng bỏ qua