Những năm trước, Đồng Tháp Mười mùa nước nổi có rất nhiều tôm cá
Đồng Tháp Mười là một trong những địa phương thuộc vùng rốn lũ của huyện Tân Hưng (Long An), xã Vĩnh Châu B, dù đã sắp đến tháng 10 Âm lịch nhưng nhiều cánh đồng vẫn chưa có nước. Hiện, mực nước lũ vùng đầu nguồn chỉ mấp mé mức báo động 1. Con nước thấp, nông dân cũng mất mùa mưu sinh. Lũ không về, cá, tôm ít, nhiều gia đình sống chủ yếu dựa vào mùa nước nổi cảm thấy lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Lùn ở ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, cho biết năm 2014 tại Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, gia đình chị đánh bắt được 60 – 80kg cá mỗi ngày, thu được khoảng 10 triệu đồng trong mùa nước. Còn năm nay, gia đình chị chỉ đánh bắt được mấy con ốc.
Có lũ cũng vất vả, nhưng không có lũ người nông dân lại càng vất vả hơn. Theo chị Nguyễn Thị Dẫu, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ xã Vĩnh Châu B, người dân ở đây không có ruộng đất, sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Mọi năm nước lũ lớn, cá về nhiều, bây giờ nước rút, người dân phải đi đến vùng trũng để kéo lưới mưu sinh.
Cũng như hàng chục hộ nuôi cá trong mùa lũ khác, trại nuôi cá giống của anh Nguyễn Thành Sơn, ngụ ấp 4 xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh đã vào thời điểm đỉnh lũ mà nước lũ vẫn… biệt tăm. Do vậy, mùa lũ năm nay trại nuôi thủy sản của anh Sơn gặp không ít khó khăn, thậm chí lỗ vốn vì không có cá mồi cho cá nuôi ăn, anh Sơn đành phải bán cá non, lỗ khoảng 50 triệu đồng.
Nước lũ không tràn đồng, phù sa không về, đồng đất không được tháo chua, rửa phèn, có nghĩa là vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân sẽ gặp không ít khó khăn khi phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều hơn, chi phí sản xuất tăng cao, năng suất lúa sẽ giảm đáng kể.
Theo ông Phan Văn Nỉ, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, lũ năm nay nhỏ nhất so với các năm gần đây. Trước tình hình này, việc sản xuất của nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi chi phí tăng cao, dịch hại có khả năng phát triển rộng nên nông dân sẽ tốn chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hơn so với các năm trước.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An và huyện Tân Hưng chỉ đạo ngành chức năng khuyến cáo nông dân gieo sạ sớm khoảng một tháng để vụ đông xuân đạt hiệu quả cao, đồng thời, khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ dịch bệnh trên cây lúa…
Nguồn: TTXVN/Tiếp Thị Gia Đình