Bạn bước lên thềm nhà và bắt gặp hình ảnh một gia đình đang bình luận sôi nổi về chương trình âm nhạc hoặc cả nhà cùng ca hát, tinh thần ai cũng thoải mái. Đó là hình ảnh của hạnh phúc. Hạnh phúc đến từ âm nhạc.
ÂM NHẠC VÀ MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH
Một khảo sát trên 760 người trẻ tuổi ở Kenya, Philippines, New Zealand và Đức về việc gia đình họ có thường xuyên cùng nghe nhạc, thảo luận về đề tài âm nhạc hay không. Kết quả cho thấy những gia đình làm được điều đó sẽ gắn bó mật thiết hơn.
Nghiên cứu này làm sáng tỏ hiệu ứng tích cực của âm nhạc trong gia đình. Âm nhạc giúp phát triển tình cảm của những người trẻ tuổi trên mọi nền văn hóa và đặc biệt là tác động mạnh mẽ trong việc gắn kết gia đình ở mọi thời điểm.
Các nhà nghiên cứu thuyết tiến hóa cũng nhấn mạnh rằng một trong những chức năng của âm nhạc là huy động sự gắn kết xã hội, cải thiện sức khỏe tinh thần và cho ta cảm giác hạnh phúc.
Về mặt sinh lý, âm nhạc trực tiếp tác động đến cảm xúc, đặc biệt là hạnh phúc. Khi nghe nhạc thú vị, các vùng đặc biệt trong não được kích thích, kích hoạt phản ứng thần kinh tự điều khiển và quá trình nhận thức. Điều đó tạo nên tâm lý lành mạnh và giúp giảm stress tốt hơn.
Khi cùng ca hát, ngoài sự tương tác âm nhạc, đây còn là dịp để cả nhà quan tâm nhau hơn và kéo gần khoảng cách giữa các thế hệ. Hình ảnh ông bà, cha mẹ nhún nhảy, hát véo von cùng con cái đã xóa nhòa sự khác biệt tuổi tác. Thậm chí âm nhạc còn là một vũ khí góp phần cầu hòa hữu hiệu.
Chị Hồng (TP. HCM) kể rằng dù chị mê cải lương, chồng mê nhạc tiền chiến song nhờ biết chiều nhau, nên sự trái ngược này giúp cả hai mở rộng kiến thức của mình. Ngoài ra, lúc chồng giận dỗi, chị ngân nga vài giai điệu anh thích cũng có thể làm anh cười xòa.
LÀM SAO ĐỂ ÂM NHẠC GẮN KẾT GIA ĐÌNH THÊM KHĂNG KHÍT?
Âm nhạc có thể làm dịu những tình huống căng thẳng và xóa tan sự ngăn cách vô hình. Tình yêu âm nhạc cần được bồi đắp qua thời gian giống như tình yêu thương trong gia đình vậy. Do đó, để âm nhạc trở thành một nét văn hóa truyền thống của gia đình, giúp mái nhà của mình thêm gắn kết, hạnh phúc, bạn có thể thực hiện các việc sau:
• Bạn lên lịch dành thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần để các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ sở thích, sự hiểu biết về âm nhạc, có khi đơn giản chỉ là con cái cho cha mẹ nghe một ca khúc mới nổi gần đây. Hoặc khi con trẻ hát ê a, bạn cũng có thể hát theo. Xúc cảm này cùng sự tương tác giữa cha mẹ và con cái sẽ mang đến cho cả nhà không khí vui vẻ, cho trẻ có tuổi thơ ấm áp và sự phát triển tinh thần thuận lợi.
• Bên cạnh đó, bạn có thể thảo luận với chồng về ca từ, giai điệu trong bản nhạc hoặc bình luận về phong cách của ca sỹ biểu diễn.
Ngoài ra, bạn có thể tổ chức biểu diễn âm nhạc cuối tuần theo cách sau bữa ăn tối, cả nhà cùng quây quần vừa trò chuyện, vừa ca hát. Nếu trong gia đình có một người biết chơi nhạc cụ thì buổi sinh hoạt âm nhạc càng tuyệt vời hơn.
• Bạn cũng có thể đầu tư dàn máy hát karaoke tại nhà. Nếu không, cả gia đình đến quán karaoke cùng hát mỗi khi rảnh rỗi. Thậm chí ti-vi cũng là một phương tiện hữu ích cho bạn.
Các nhà tâm lý học, dân tộc học từng nhấn mạnh về vai trò của ti-vi. Thời gian gia đình quây quần cùng xem ti-vi với nhau cũng là một hoạt động văn hóa gia đình. Hình thức này cũng tạo sự tương tác, giao tiếp thông qua cách thức giải trí. Và xem âm nhạc trên ti-vi lúc này cũng là một phần quan trọng của bản sắc gia đình, một cách truyền đạt giá trị văn hóa và tăng cường sự gắn kết gia đình.
Không nhất thiết phải có giọng ca xuất sắc bạn mới xây dựng được văn hóa yêu âm nhạc trong gia đình. Âm nhạc dành cho tất cả mọi người. Giai điệu có tác dụng kết nối tâm hồn rất lớn. Khi cùng đắm mình trong một giai điệu, cả hai dễ dàng hồi tưởng những kỷ niệm đã cùng nhau trải qua, cảm nhận được sự chia sẻ và càng gần gũi nhau hơn. Vì vậy đừng để hôn nhân mình thiếu vắng âm nhạc, bạn nhé!
THÔNG TIN THÊM
Âm nhạc giúp hình thành một nét văn hóa gia đình. Tình yêu âm nhạc giúp các thành viên cảm thấy bình an, có xúc cảm tích cực và sống đẹp hơn
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tokyo kết luận rằng việc chủ động dùng âm nhạc để tìm kiếm hạnh phúc là hoàn toàn có thể. Ngay cả nhạc buồn cũng làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn, vì nó cũng có thể kích hoạt cảm xúc lãng mạn, giúp an ủi và vỗ về người nghe.
Một nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh âm nhạc kích thích trí tưởng tượng, phát triển khả năng tự nhận thức và giao tiếp xã hội của trẻ em người nghe.
HUYỀN AN
Mục Gia đình / Tiếp Thị Gia Đình