Thịt bò Úc bày bán trong siêu thị Co.op Mart Nguyễn Kiệm (Q. Phú Nhuận) − Ảnh: baomoi.com
Khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP, thuế nhập khẩu các mặt hàng dành cho 11 nước thành viên còn lại sẽ dần được bãi bỏ. Thị trường trong nước sẽ chứng kiến sự xâm nhập hàng loạt của các hàng ngoại và rất có thể, người tiêu dùng Việt cũng sẽ ưa chuộng và tin dùng các mặt hàng nhập khẩu của nước ngoài hơn hàng sản xuất trong nước. Một ví dụ tiêu biểu là thịt gia cầm và thịt động vật.
Năm 2014, Mỹ xuất thịt bò vào thị trường Việt Nam với kim ngạch khoảng 22,1 triệu USD. Tuy nhiên, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, lượng xuất khẩu được dự đoán sẽ càng tăng mạnh do thuế nhập mặt hàng này hiện ở mức 34% giảm về 0% trong thời gian từ 3−8 năm.
Với mặt hàng thịt heo, mức chịu thuế hiện tại cao nhất là 30%. Tuy nhiên, trong vòng 5−10 năm tới, Việt Nam sẽ bỏ thuế hoàn toàn với thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo của Mỹ.
Các mặt hàng thịt bò tươi và bò đông lạnh từ Canada cũng sẽ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam bởi mức thuế nhập hiện ở mức 31% cũng sẽ được dỡ bỏ sau hai năm khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Các chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam chính thức vào TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam có nguy cơ bị thua trên sân nhà bởi lối làm ăn manh mún, chộp giật của một vài cơ sở chăn nuôi. Không những vậy, niềm tin của người tiêu dùng cũng đang mất dần đi bởi các loại thịt lợn, gà, trâu, bò…tồn dư các loại thuốc tăng trọng, tạo nạc, kích thích tăng trưởng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Rất có thể, trong thời gian đầu mới gia nhập TPP, người dân sẽ chuyển sang dùng hàng lạnh nhập khẩu do tin tưởng chất lượng ngoại nhập và giá cả rẻ hơn các loại thịt được bán trong nước.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, ít nhất tới năm 2018, Hiệp định TPP mới chính thức có hiệu lực. Cộng thêm lộ trình giảm thuế từ 3−8 năm hay thậm chí từ 10−13 năm đối với các mặt hàng nhạy cảm, ngành chăn nuôi Việt Nam còn nhiều thời gian để cải thiện các điều kiện và đủ khả năng cạnh tranh với các mặt hàng từ các nước thành viên TPP nhập vào.
Hiệp định TPP gồm 30 chương, thiết lập các quy tắc thương mại trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng, hợp tác, giải quyết tranh chấp…
Hiệp định TPP có sự tham gia của 12 quốc gia, gồm Australia, New Zealand, Brunei, Singapore, Malaysia, Canada, Chile, Mexico, Mỹ, Peru, Nhật Bản và Việt Nam. TPP tạo thành một khu vực thương mại tự do có dân số trên 800 triệu người, chiếm 40% GDP và trên 30% thương mại toàn cầu.
Tiếp Thị Gia Đình