Việc công bố lượng calo trong thức ăn nhanh không làm ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của khách hàng − Ảnh minh họa
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc các nhà hàng công bố hàm lượng calo trong thức ăn nhanh không thực sự làm nên một sự khác biệt đối với thói quen ăn uống của khách hàng.
Trong các nghiên cứu được tạp chí Health Affairs (Các vấn đề sức khỏe) công bố ngày 2−11, các nhà khoa học đều có chung nhận định: Việc nắm được lượng calo trong thức ăn nhanh không khiến người dân “tự khắc” lựa chọn các món ăn lành mạnh hơn.
Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học New York đã sử dụng các hóa đơn và các cuộc khảo sát tại chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh gồm McDonald, Burger King, KFC và Wendy để đánh giá việc đặt món ăn của khách hàng.
Tại New York, thành phố đầu tiên áp dụng quy định công bố lượng calo trong các cửa hàng bán thức ăn nhanh, lượng calo trung bình trong thực đơn của các nhà hàng trên là 804–839 calo/món ăn, gần tương tự mức 802−857 calo/món ăn tại các chuỗi cửa hàng tương tự tại New Jersey, nơi không công bố lượng calo. Kết quả cho thấy trong năm 2014:
chỉ hơn 1/3 khách hàng lưu ý đến lượng calo được công bố và chỉ có 9% khách hàng khẳng định đã dựa vào điều này để lựa chọn những món ăn lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại cho thấy việc công bố hàm lượng calo lại có tác động lớn hơn đối với quan điểm của một số nhà hàng. Theo đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã sử dụng một cơ sở dữ liệu để thu thập lượng calo từ 66 chuỗi nhà hàng lớn của Mỹ (nhóm một) để so sánh với thực đơn từ các nhà hàng tình nguyện liệt kê lượng calo tại tất cả các chi nhánh tại Mỹ (nhóm hai). Kết quả cho thấy mỗi món ăn trong các thực đơn của nhóm hai trung bình chứa ít hơn 140 calo so với của nhóm một. Đồng tác giả nghiên cứu Julia Wolfson cho rằng, việc tình nguyện công bố lượng calo đã khiến nhiều nhà hàng có xu hướng cắt giảm bớt lượng chất này trong các món ăn.
Trong khi đó, một nghiên cứu thứ ba cho thấy các bậc phụ huynh có xu hướng gọi các món ăn lành mạnh hơn cho con. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tufts đã xem xét việc mua hàng tại 13 địa điểm ăn uống sau khi chuỗi nhà hàng trong khu vực thay đổi thực đơn cho trẻ nhỏ vào năm 2012, theo đó bổ sung các món khai vị và món phụ lành mạnh hơn vào thực đơn, trong khi loại bớt các món chiên rán và nước uống có nước sô-đa. Trước khi thực đơn được thay đổi, hơn một nửa yêu cầu gọi món cho trẻ nhỏ đều có các đồ chiên rán. Tỷ lệ này đã giảm 21% trong năm qua, trong khi gần 2/3 số trẻ em có xu hướng lựa chọn ăn các loại hoa quả như dâu tây.
Quy định công bố thành phần dinh dưỡng có trong thực đơn các món ăn được xem là một nỗ lực nhằm giảm bớt tình trạng béo phì ngày càng gia tăng tại Mỹ. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), hơn 1/3 số người trưởng thành ở nước này (78,6 triệu người) đã bị mắc chứng béo phì. Riêng trong năm 2008, chi phí hàng năm của ngành y tế Mỹ cho việc chữa trị căn bệnh này là 147 tỷ USD. Tính trung bình, chi phí cho việc chăm sóc những người bị béo phì là 1.429 USD/người, cao hơn so với những người có cân nặng bình thường.
Theo TTXVN