Việc mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ có những tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung. TTGĐ có buổi trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, về chính sách này.
TTGĐ: Việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản, thưa ông?
ÔNG LÊ HOÀNG CHÂU: Tác động lớn nhất của chính sách này là giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, điều đặc biệt cần thiết cho thị trường bất động sản Việt Nam. Hình ảnh đất nước Việt Nam không còn là một ốc đảo biệt lập mà trở nên bình thường, tương đồng với các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Pháp, Hoa Kỳ… Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho những người nước ngoài hiện nhờ người khác mua hộ nhà có cơ hội đứng tên chủ sở hữu ngôi nhà của mình.
Từ sau năm 2007 đến nay, lợi thế của thị trường bất động sản chủ yếu thuộc về người mua trong khi thị trường thứ cấp – nơi diễn ra các hoạt động mua đi bán lại không đáng kể. Vì vậy, tác động thứ hai là giúp tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường thứ cấp và góp phần tăng cường đà hồi phục của thị trường hiện nay.Thứ ba, đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản vì nó giúp giải phóng hàng tồn kho, trong đó chủ yếu là căn hộ cao cấp.
TTGĐ: Vậy nền kinh tế nói chung cũng sẽ được hưởng lợi?
ÔNG LÊ HOÀNG CHÂU: Về dài hạn, sự mở cửa này tạo ra động lực cho phát triển kinh tế bởi chính những người nước ngoài khi được mua nhà sẽ là người cung cấp thông tin và thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam.
Thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô, có giá trị thấp (cát đá, xi măng, thép…), việc bán nhà ở cho người nước ngoài cũng là hoạt động xuất khẩu tại chỗ thu ngoại tệ cho đất nước, gia tăng giá trị tổng tài sản quốc gia. Dòng tiền mới này sẽ giúp cho thị trường chuyên nghiệp hơn và cho các nhà phát triển dự án cơ hội xây dựng một kế hoạch dài hạn.
Khi làm chủ, người nước ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư nhiều hơn cho căn nhà của mình. Từ đó, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề khác có liên quan trực tiếp như vật liệu xây dựng, nội thất… tiếp đến là các ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ như tài chính–tín dụng và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
TTGĐ: Những tác động trên sẽ có tác dụng ngay tức thì?
ÔNG LÊ HOÀNG CHÂU: Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 1–7–2015 và còn chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn. Giá bất động sản nước ta hiện ở mức giá thành. Một số doanh nghiệp có lời thì tỷ suất lợi nhuận hiện đạt khoảng 5–6%. Vì vậy, giá thành khó có khả năng giảm. Gần đây, một số dự án có giá bán nhích lên.
TTGĐ: Luật sửa đổi có mặt hạn chế nào không thưa ông?
ÔNG LÊ HOÀNG CHÂU: Luật nhà ở sửa đổi quy định người nước ngoài sở hữu trong thời hạn 50 năm. Tổng số căn hộ lưu trú mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn nhà. Đối với phường có nhiều tòa nhà chung cư, chính phủ sẽ quy định tỷ lệ sở hữu cụ thể của người nước ngoài.
TTGĐ: Hiện có nhiều người lo ngại về tác động tiêu cực của luật này đến người thu nhập thấp đô thị, theo ông thì khả năng đó có thể xảy ra không?
ÔNG LÊ HOÀNG CHÂU: Số lượng người nước ngoài đang làm việc, sinh sống ở Việt Nam khá đông. Ở TP. HCM, hiện có khoảng 10.000 người Nhật, 1.200 người Đức, 80.000 người Hàn Quốc, 6.000 người Philippines và nhiều quốc tịch khác. Bức tranh trên cho thấy nhiều người nước ngoài có thu nhập cao nhưng cũng có rất nhiều người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Do vậy, luật cho phép được mua nhà ở thương mại dẫn đến khả năng nhiều người nước ngoài chọn mua nhà có quy mô vừa và nhỏ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng. Phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước do đó có thể bị thu hẹp. Tuy nhiên, về tổng thể, chính sách mới về việc cho người nước ngoài mua nhà sẽ tạo một cú hích cho thị trường bất động sản trong dài hạn.
TTGĐ: Xin cảm ơn ông.
THÔNG TIN THÊM
Vào ngày 25–11−2014, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó có quy định mở rộng sở hữu tài sản của các cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Bộ luật mới có các điểm điều chỉnh như sau:
♣ Các đối tượng nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Các cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. (Trước đây, chỉ cho phép người nước ngoài có visa nhập cảnh vào Việt Nam từ 6–12 tháng mới được mua nhà. Ngoài ra, phải là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có bằng đại học, kết hôn với công dân Việt Nam, có đóng góp cho đất nước và được Chủ tịch nước tặng huân chương…).
♣ Không có quy định nào giới hạn số lượng căn hộ/nhà mà một người nước ngoài có thể mua. (Trước đây, một người nước ngoài chỉ được mua một căn hộ chung cư).
♣ Được sở hữu tất cả loại hình nhà ở, bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất (Trước đây chỉ áp dụng với căn hộ chung cư).
♣ Bất động sản thuộc quyền sở hữu của người nước ngoài có thể cho thuê lại, mua bán, thừa kế hoặc thế chấp. (Trước đây, người nước ngoài chỉ được mua nhà với mục đích dùng để ở).
MỸ HẠNH (thực hiện)
Mục tin thị trường − Tiếp Thị Gia Đình